Ngày 29/8, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam có văn bản gửi Bộ Công Thương kiến nghị về ngày điều hành giá xăng dầu.

Theo đó, cơ quan này này cho biết hiện tại, tổng nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục có chiều hướng tăng, đặc biệt là mặt hàng dầu Diesel (tính đến ngày 25/8 tăng 16,6% so với kỳ điều hành ngày 22/8).

"Trong khi đó, kỳ điều hành giá tới được thực hiện vào ngày 1/9. Tuy nhiên, theo thông báo của Bộ Lao động Thương binh và xã hội, ngày này là ngày nghỉ đối với cán bộ là công chức, viên chức còn đối với các đối tượng khác (chỉ được nghỉ chủ nhật - như đại bộ phận người lao động ngành xăng dầu) thì 1/9 vẫn là ngày làm việc", Hiệp hội cho biết.

Trong trường hợp này, Nghị định 95 cũng không quy định cụ thể sẽ lựa chọn ngày nào là ngày nghỉ lễ chính thức. Nếu lựa chọn ngày 2/9 là ngày nghỉ thì việc điều chỉnh giá phù hợp với chu kỳ 10 ngày theo quy định, còn nếu lựa chọn ngày nghỉ là 1/9 thì việc điều hành giá sẽ được chuyển sang ngày 5/9.

"Điều này khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ có độ trễ nhất định, không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá xăng dầu thế giới, gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn và đặc biệt tạo ra tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn cho thị trường", lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu đánh giá.

Do đó, Hiệp hội đề nghị Bộ trưởng Công Thương vẫn cho điều hành giá xăng dầu vào đúng kỳ điều hành 1/9 để vừa giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vừa tạo thuận lợi cho các đơn vị này trong công tác tạo nguồn nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh.

Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại phía Nam cho biết theo số liệu ngày 26/8, giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore ở mức 111,05 USD/thùng với xăng RON 95; 108,18 USD/thùng với xăng RON 92 và 149,03 USD/thùng với dầu diesel.

Với mức này, giá xăng kỳ tới nhiều khả năng sẽ tăng ở mức 380-400 đồng/lít; dầu tăng mạnh hơn ở mức 2.300-2.400 đồng/lít.

Theo nhiều đại lý bán lẻ, mặc dù Bộ Công Thương khẳng định không thiếu nguồn cung xăng dầu nhưng hiện nay nguồn hàng từ đầu mối rất hạn chế và mức chiết khấu ở mức thấp, thậm chí âm 1.000-2.000 đồng/lít. Theo họ, chỉ khi mức chiết khấu khoảng 700-800 đồng/lít thì mới có thể có lãi. Bởi cửa hàng bán lẻ phải gánh thêm chi phí vận chuyển, nhân công, hao hụt, thuê mặt bằng giá cao...

Đáng chú ý, tại miền Tây ghi nhận tình trạng khan hàng ở nhiều cây xăng. Ngày 29/8, ông Nguyễn Hùng Em, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng cho biết, toàn tỉnh có hơn 450 cửa hàng xăng dầu nhưng gần 100 cửa hàng nhận được nhiên liệu nhỏ giọt từ doanh nghiệp đầu mối.

Cục trưởng Cục QLTT Sóc Trăng cho rằng doanh nghiệp xăng, dầu không phải ghim hàng nhưng nhập về nhiều sẽ lỗ nhiều. Vì vậy, một số đại lý chấp nhận hoa hồng 0 đồng và lỗ thêm chi phí vận chuyển vẫn không mua được hàng để bán.