Sáng 8/9, giá vàng trong nước tăng 250.000 đồng/lượng. Ảnh minh họa: TTXVN

Thời điểm 8 giờ 42 phút, tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,15 - 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 250.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Thời điểm này, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng tại thị trường Hà Nội ở mức 65,15 - 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,2 - 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.

Trước đó trong phiên giao dịch 7/9, giá vàng thế giới đi lên sau khi đồng USD rời khỏi mức cao nhất trong hai thập kỷ.

Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.716,59 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tăng hơn 0,9% lên 1.727,80 USD/ounce.

Việc chỉ số đồng USD đạt mức cao nhất trong hơn 20 năm khiến vàng định giá bằng đồng bạc xanh trở nên kém hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác. Song việc đồng USD rời đỉnh đã tạo ra một khoảng nghỉ cho kim loại quý này.

Ông David Meger, quản lý cấp cao tại công ty môi giới High Ridge Futures, có trụ sở tại Mỹ nhận định, đà tăng của vàng là nhờ nhu cầu đối với các tài sản an toàn và hoạt động săn hàng giá hạ của thị trường.

Ông Meger lưu ý gần đây vàng hoạt động như một tài sản rủi ro hơn là một tài sản an toàn và thời điểm vàng nghiêng về phía tài sản an toàn là lúc các nền kinh tế giảm tốc do chính sách tăng lãi suất. Thống kê cho thấy, giá vàng đã giảm hơn 300 USD kể từ khi tăng trên 2.000 USD/ounce vào tháng Ba.