Cụ thể, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng niêm yết giá mua vào ở mức 67,4 triệu đồng/lượng và 68,9 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 2,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua và giảm 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

 
Giá vàng miếng SJC lao dốc

Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng điều chỉnh biên độ giảm tương tự khiến giá mua – bán của vàng miếng SJC hiện chỉ còn 67,2 – 68,8 triệu đồng/lượng.

Trước diễn biến bất thường của vàng miếng SJC, các tiệm vàng đồng loạt nới rộng chênh lệch giá mua bán lên từ 1,6 đến 1,8 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tuần trước độ vênh giá mua – bán chỉ khoảng 600.000 – 700.000 đồng/lượng. Như vậy, chưa đầy một tuần mà giá vàng miếng SJC đã “bốc hơi” trên 2 triệu đồng mỗi lượng.

Ở chiều ngược lại, vàng nhẫn tròn trơn 24K, vàng nữ trang 9999 vẫn giữ vững ở mức cao với giá mua bán phổ biến quanh ngưỡng 58,8 – 59,6 triệu đồng/lượng và chênh lệch giá mua – bán dao động quanh mức 800.000 đồng/lượng, thay đổi không đáng kể so với cuối tuần trước.

Trên thị trường quốc tế, sau khi tăng gần 200 USD/ounce, tương ứng 7% trong tháng 10 - mức tăng tốt nhất tính theo tháng kể từ tháng 3 năm nay, kim loại quý đã quay đầu giảm. Hiện giá vàng miếng giao ngay thấp hơn 8 USD/ounce với cuối tuần qua, giao dịch ở mức 1.985 USD/ounce.

Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá kim loại quý thế giới tương đương khoảng 58,9 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).

Diễn biến ngược chiều với giá vàng thế giới, vàng nhẫn 9999 trở nên đắt đỏ hơn khoảng 700.000 đồng/lượng thay vì mức giá gần như ngang bằng giữa hai thị trường trong tuần trước.

Trong khi đó, vàng miếng SJC giảm đột ngột với biên độ giảm quá mạnh khiến chênh lệch giữa vàng miếng SJC và giá vàng thế giới rút ngắn về còn chưa tới 10 triệu đồng/lượng. Độ vênh thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây.