Gia tăng bạo lực học đường: Học sinh 'rảnh rỗi sinh nông nổi'?
Bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng
Hàng loạt vụ việc liên quan tới bạo lực học đường xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đáng nói, nguyên nhân đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng rồi để lại những hậu quả hết sức đau lòng.
Từ cuối năm 2022 đến tháng 3/2023, cháu K.V.G.B., học sinh lớp 7, Trường THCS Xuân An (xã Xuân An, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) thường xuyên bị nhóm bạn cùng trường đánh hội đồng bằng chân tay, gậy, thậm chí là… điếu cày.
Đến ngày 8/3, cháu B. đã phải đến Trung tâm y tế huyện Yên Lập khám với triệu chứng khó thở, tức ngực, buồn nôn, đau đầu… Sau đó, cháu phải điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán Rối loạn phân ly, có dấu hiệu bị sang chấn tâm lý, sợ hãi…
Cũng vào khoảng giữa tháng 3/2023, mạng xã hội Facebook lan truyền chóng mặt đoạn clip dài 7 phút 26 giây ghi lại cảnh một nữ sinh mặc đồng phục bị một nhóm nữ sinh khác cũng mặc đồng phục tương tự đánh tới tấp bằng tay, chân và cả mũ bảo hiểm ngay trong lớp học.
Đáng chú ý, nữ sinh bị đánh đã khóc, chắp tay van xin nhưng vẫn bị đánh hội đồng liên tục, trước sự hò reo của các học sinh khác trong lớp... Sự việc xảy ra tại Trường THCS Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Nhóm học sinh đánh bạn, quay clip và nữ sinh bị đánh đều học chung lớp 6.5 của trường.
Theo báo cáo của nhà trường, nguyên nhân vụ việc được xác định là em L.Đ.B.N. (học sinh đánh bạn) có mượn của em Đ.T.T.V. (học sinh bị đánh) 20.000 đồng. Sau đó, V. nói với một số bạn là N. mượn tiền của mình. Cho rằng V. nói xấu mình, N. và V. dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau. Em N. cũng là người trực tiếp dùng mũ bảo hiểm đánh V. Ngoài ra, còn có 3 học sinh nữ khác tham gia đánh hội đồng bạn và nữ lớp trưởng của lớp 6.5 là người quay clip.
Không chỉ gây thương tích trên cơ thể, có những vụ việc liên quan tới bạo lực học đường để lại hậu quả vô cùng đáng tiếc như vụ án nam sinh lớp 10 của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) dùng dao đâm bạn học tử vong vào hồi cuối năm 2022.
Nam sinh này sau đó bị khởi tố về tội "giết người" quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự. Đây là vụ án trọng điểm, do có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của bị can đã xâm phạm đến tính mạng của người khác, xảy ra tại khu vực trường học, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội trên địa bàn.
Học sinh đang nhàn rỗi hơn xưa
Có thể thấy, phần lớn các vụ học sinh xô xát, đánh nhau xảy ra gần đây xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp, trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè… Hậu quả của các vụ việc đánh nhau gây thương tích cho cơ thể, còn hành vi quay video và đưa lên mạng xã hội để làm nhục người khác gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về tinh thần của nạn nhân.
Để phòng chống bạo lực học đường, thời gian qua nhiều chuyên gia giáo dục đã nêu ra nhiều giải pháp, ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, những vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học vẫn có chiều hướng gia tăng.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giáo dục - TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng học sinh muốn sử dụng “nắm đấm” để giải quyết các mâu thuẫn. Trong đó nguyên nhân lớn nhất là “trẻ em đang nhàn rỗi hơn ngày xưa rất nhiều”. Sự nhàn rỗi này xuất phát từ tâm lý phụ huynh thích chiều chuộng, làm hộ mọi việc cho con. Chính điều này khiến cho trẻ gặp nhiều vấn đề.
Có câu “rảnh rỗi sinh nông nổi” hay “nhàn cư vi bất thiện”, khi học sinh nhàn rỗi, các em sẽ nghĩ tới các thứ khác. Bên cạnh đó, TS Hương cho rằng, cuộc sống của hầu hết học sinh hiện nay rất nhàm chán, ít những trải nghiệm thay đổi từng ngày. Mỗi ngày của các em trôi qua chủ yếu là việc học và ăn uống rồi đi ngủ, lặp lại trong cả năm học.
“Sự nhàm chán khiến các em mệt mỏi, dẫn tới bận tâm tới những vần đề khác, dù là sự việc nhỏ nhất. Chính vì vậy những câu nói, những cử chỉ hành vi của người khác rất dễ trở thành nguyên nhân để nỗi tức giận của các em ngày càng lớn”, TS Hương phân tích.
Một trong những nguyên nhân nữa là hiện nay học sinh sử dụng thời gian trống vào việc lên mạng khá nhiều. Trong khi mạng xã hội có một số tác động ảnh hưởng tới giới trẻ thì các em không được học cách sử dụng mạng xã hội hợp lý. Thế nên các em dễ học theo các trào lưu nguy hiểm, những tấm gương xấu điển hình như Khá Bảnh và học theo, dễ dàng xử lý các mâu thuẫn với bạn bè bằng “nắm đấm” hay cách giải quyết tiêu cực khác.
TS Hương cũng cho rằng, không thể nói trẻ vô cảm khi các em đánh hội đồng bạn học hoặc đứng quay video các bạn đánh nhau mà không can ngăn. Bởi thực tế chúng ta còn thiếu cách giáo dục các con cách ứng xử với các trường hợp như vậy và mặc nhiên suy nghĩ rằng các em không được phép như thế.
“Bản thân người lớn khi xảy ra xô xát cũng lấy điện thoại ra quay video và đứng hò reo, phán xét. Nếu chúng ta muốn các con không vô cảm thì chúng ta phải có những bài học về giáo trị, dạy các con cách ứng xử với những trường hợp không hoàn hảo”, TS Hương nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, với học sinh, nhất là học sinh từ bậc THCS trở lên, việc tuyệt đối không để xảy ra bạo lực học đường trong trường học là khó. Vấn đề đặt ra là, khi xảy ra bạo lực học đường rồi, nhà trường, gia đình xử lý, rút kinh nghiệm như thế nào để giáo dục học sinh.
Để giảm tình trạng bạo lực học đường, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, trước hết, trường học phải dạy học sinh phát triển những giá trị tốt đẹp, dựa trên nền tảng từ sự tôn trọng, tình thương yêu, lòng khoan dung và dạy cho các em các kỹ năng sống để khi xảy ra xung đột các em biết cách tự hòa giải, trình bày, giải quyết các vấn đề.
Từ nền tảng đó, trường học cần xây dựng quy trình xử lý những xung đột, sự cố xảy ra trong nhà trường. Tiếp đến là phối hợp phụ huynh, khơi gợi ý thức tự giác, trách nhiệm, cùng tham gia với nhà trường trong việc giáo dục con cái.
WAFT - Giáo dục tận gốc là giáo dục nhận thức
Ngày 23/11/2024 WAFT đã được ra đời với 2 thương hiệu WATF Human Capital và WATF Media. Triết lý giáo...
Bé gái sơ sinh bị bỏ trong túi bóng đặt trước cửa bệnh viện ở Hà Nội, tím tái toàn...
Trẻ bị bỏ vào túi bóng đặt tại cửa khoa cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng tím tái...
Dự báo thời tiết hôm nay 24/11: Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh, miền Trung mưa liên tiếp
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 24/11/2024 chi tiết các khu vực trên cả nước như sau.
Xuất hiện chuỗi bão và áp thấp nhiệt đới dồn dập, Biển Đông nguy cơ “bão chồng bão” cuối tháng...
Áp thấp gần Biển Đông đầu tiên có khả năng hình thành ở khu vực dự báo TCAD của PAGASA. Áp...