Hơn 2 năm trước, chị Nguyễn Thị Hồng (ở Quốc Oai, Hà Nội) hạ sinh đứa con gái út, cũng là con thứ 8 trong gia đình, khi ấy chị mới 29 tuổi. Thời điểm đó, chị Hồng được nhiều người biết đến khi trở thành người mẹ “mắn đẻ” nhất nhì Hà Nội trong thời hiện đại. Vốn vợ chồng chị Hồng cũng không muốn sinh nhiều con vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng do vỡ kế hoạch nên cứ chửa là đẻ.

Sinh cháu thứ 8 được 14 ngày, chị Hồng đã phải đi làm kiếm tiền nuôi con.

Bữa cơm của gia đình chị Hồng và các con cách đây hơn 2 năm khi chị mới sinh con út.

May mắn thay, chị Hồng là người dễ trở dạ sinh con. 8 đứa con của chị (1 cháu đã mất), chỉ 1 cháu được sinh ở bệnh viện huyện, còn lại đa phần là sinh ở trạm y tế xã. Cá biệt có cháu còn sinh trên xe bò (xe kéo tay) khi chồng chị Hồng là anh Đỗ Công Trường (SN 1985) đang đưa chị ra trạm y tế.

Mới sinh cháu út được 14 ngày, chị Hồng đã phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi con. Lúc đó, gia đình chị Hồng không chỉ đông con mà còn thuộc diện nghèo “bền vững” ở làng Phú Hạ.

Đã hơn 2 năm trôi qua kể từ lần sinh cháu thứ 8, bằng sự cố gắng, lao động không biết mệt mỏi của anh Trường - chị Hồng, giờ đây cuộc sống gia đình đã cải thiện đáng kể. Ngôi nhà của vợ chồng anh Trường đã được sơn sửa lại, có đầy đủ tiện nghi hơn…

Hình ảnh ngôi nhà cũ (ảnh trên) và ngôi nhà được sửa lại, đang xây dựng dở dang.

Vẫn tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ thơ, nhưng giờ đây chúng “có da, có thịt” hơn trước rất nhiều. Hàng sáng đi học, những đứa trẻ được bố mẹ cho tiền ăn sáng thay vì phải ăn chung 1 nồi mỳ tôm như trước…

Gặp chúng tôi, anh Trường nở nụ cười rất tươi, hoan hỉ nói: “Nhà anh thoát nghèo rồi chú ạ”. Nhấp chén nước chè đặc, anh Trường chia sẻ gia đình không ở diện hộ nghèo vào cuối năm 2019. Anh mừng vì đều đó bởi không ai thích nghèo cả.

Chỉ ra phía trước sân, anh Trường nói liến thoắng rằng tranh thủ lúc nghỉ dịch COVID-19, anh ở nhà tự xây lại cái bếp cho rộng rãi hơn. Trước đó, anh Trường cũng xây thêm được 2 gian phòng mới để làm chỗ học, chỗ ngủ cho các con.

Chị gái thứ 2 tên Nguyễn Thị Duyên đang chăm đứa em út tại căn phòng mới được xây dựng.

“Giờ các con lớn hết cả rồi, ngủ chung 1 giường chật không chịu nổi. Thôi thì làm ăn cũng để ra chút ít, mình sửa lại nhà để sinh hoạt cho thoải mái”, anh Trường nói.

Ảnh hưởng của dịch bệnh, các con anh Trường không phải đến lớp, dù ở nhà nhưng vẫn học online. Để phục vụ cho việc học, anh Trường sắm một chiếc tivi đời mới và cả smartphone để các con có điều kiện học tập tốt nhất.

Ngoài giờ học, anh lại huy động các con đứa đưa gạch, đứa xách vữa để xây thêm phòng ở mới. “Đông con cũng có cái lợi vậy đó. Xây gần hết tường mà chỉ tôi và các con làm lấy. Còn mẹ các cháu vẫn đi làm bình thường”, ông bố 8 con nói.

Phần nhà đang được bố con anh Trường xây dựng trong thời gian cách ly do dịch bệnh.

Điều hai vợ chồng anh Trường tự hào nhất là các con anh đều ngoan ngoãn, chăm chỉ và khỏe mạnh. “Chị cả và chị thứ 2 thay nhau làm những công việc nặng như nấu cơm, lau nhà… Còn chị thứ 3, thứ 4 thay nhau chăm các em nhỏ. Được cái đứa út cũng lanh lợi và ngoan, không quấy bố mẹ.

Còn việc học thì các con tôi bình thường, chỉ có cháu thứ 2 là nhỉnh hơn. Cháu mới được đi thi học sinh giỏi cấp huyện và được chủ tịch huyện tặng giấy khen”, anh Trường nói đầy tự hào về các con của mình.

 

Chia sẻ về công việc hiện tại, anh Trường cho biết thời gian gần đây 2 vợ chồng nhận sơn và hoàn thiện nội thất 1 số công trình nên công việc cũng đều và có chút ít tiền để mua sắm và sửa sang nhà cửa. “Tính ra hàng tháng gia đình tôi tiền tiêu vặt cũng đến 10 triệu đồng, nào là ăn uống, xăng xe đi lại, tiền điện, tiền nước… Đó là chưa kể tiền học cho con”, anh Trường cho biết.

Thời gian tới, hai vợ chồng anh Trường sẽ nỗ lực hơn nữa trong công việc với hy vọng tích cóp được chút ít tiền vì các con càng lớn, chi phí càng nhiều và đặc biệt là phải lo tương lai sau này cho các con.