Theo thông tin từ bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở y tế này vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân nữ (45 tuổi, ngụ Hà Nội), mắc viêm gan B, đồng thời phát hiện khối u ở gan có kích thước 2 cm.

Đáng chú ý, khi điều tra tiền sử bệnh lý, bác sĩ Huyền phát hiện các con, cháu của bệnh nhân này đều mắc viêm gan B. Trong số này, 2 trường hợp cũng có u gan.

"Các thế hệ trước của gia đình này cũng có tuổi thọ trung bình thấp, chỉ khoảng 40-45 tuổi. Người thọ nhất sống tới 65 tuổi", bác sĩ cho hay.

Bệnh nhân chia sẻ trước đó, chị và em gái của bà cũng đã qua đời vì mắc ung thư gan.

Bác sĩ Huyền thăm khám và giải thích cho bệnh nhân viêm gan B. Ảnh: CL.

Trên thực tế, đây không phải trường hợp đầu tiên có nhiều thành viên trong gia đình mắc viêm gan B. Bác sĩ Huyền thông tin qua thăm khám hàng ngày, bà cũng thường xuyên phát hiện các trường hợp cả gia đình cùng mắc viêm gan B, thậm chí mắc song song u gan.

"Một số bệnh nhân được phát hiện có u gan khi mới 20-25 tuổi", vị chuyên gia nói.

Đến nay, ước tính trên toàn quốc có khoảng 8 triệu người mắc viêm gan B. Đường lây truyền chính của bệnh là từ mẹ sang con. Nguyên nhân của số lượng này có thể lý giải bằng việc phần lớn người bệnh sinh trước năm 1998, thời điểm Việt Nam chưa áp dụng tiêm vaccine cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh.

Dù là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tại Việt Nam, trên thực tế, bệnh viêm gan B vẫn chưa thực sự được người dân quan tâm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay: "Trong khoảng 8 triệu bệnh nhân viêm gan B tại Việt Nam, chỉ khoảng 1/10 trường hợp được chăm sóc y tế phù hợp. Số lượng bệnh nhân còn lại vẫn cho rằng có thể tự điều trị bằng các phương pháp hoặc thuốc họ được biết qua truyền miệng".

Từ đây, việc kiểm soát diễn biến của bệnh viêm gan B trong cộng đồng vẫn kém hiệu quả. Điều nguy hiểm là viêm gan B thường diễn biến thầm lặng, bệnh nhân chưa xơ gan nhưng có thể đã xuất hiện khối u ở gan.

"Điều này làm tăng số trường hợp ung thư gan, khiến chi phí điều trị tăng cao, cơ hội chữa khỏi khó khăn cũng như tăng thời gian chữa bệnh", vị chuyên gia nhận định.

Bác sĩ Cấp khuyến cáo viêm gan cần được quản lý tốt hơn, hạn chế hậu quả của bệnh. Trong đó, việc tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B phải đảm bảo bao phủ được tất cả trẻ sơ sinh.

Những bà mẹ viêm gan B, C mạn tính cần được giám sát chặt ở giai đoạn mang thai nhằm điều trị và kiểm soát đường lây truyền bệnh từ mẹ sang con hiệu quả.

Bác sĩ Huyền cũng nhấn mạnh viêm gan B tiến triển thầm lặng, có thể làm xuất hiện các khối u gan sớm. Mặt khác, dịch tễ viêm gan B của Việt Nam rất cao, trở thành căn nguyên hàng đầu gây ung thư, khiến tỷ lệ ung thư gan tại Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới và thứ 2 trong khu vực châu Á.

Do đó, vị chuyên gia khuyến cáo người dân nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe. Nếu chưa mắc bệnh, người dân cần tiêm vaccine ngừa viêm gan B, đồng thời kiểm tra lượng kháng thể viêm gan B sau tiêm.

"Nếu đã mắc bệnh, mọi người cần khám định kỳ 6 tháng/lần, tuân thủ đơn điều trị bằng thuốc kháng virus, tầm soát ung thư gan thường xuyên", bác sĩ nói.

Phụ nữ đang trong tuổi sinh nở, mang thai càng cần tiêm chủng, tầm soát, phòng chống viêm gan B. Trong trường hợp đã mắc bệnh, sản phụ sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus sau 24 tuần đầu, em bé sinh ra sẽ được tiêm huyết thanh và vaccine ngừa viêm gan B.