Chiều một ngày cuối tháng 4/2023, bà Huyền Nga nhận kết quả xét nghiệm ADN của một người đàn ông 35 tuổi ở Bình Dương với kết luận: Không có quan hệ ruột thịt. Người phụ nữ 62 tuổi gần như ngã quỵ, cảm giác như mất con thêm lần nữa.

Cuộc tìm kiếm con ròng rã 29 năm dần cướp đi sức khỏe của bà Nga. Người mẹ sợ đến một ngày bà không còn đủ minh mẫn để tiếp tục đi tìm Hoàng Long - cậu con trai mà bà đoán "đẹp trai, trắng trẻo như hồi nhỏ".

Nguyễn Minh Hoàng Long (bên trái) năm 4 tuổi, được mẹ bế trên tay. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Phạm Thị Huyền Nga kể chiều 5/11/1994, con trai Nguyễn Minh Hoàng Long được gửi tại một nhà trẻ tư tại bãi Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chuẩn bị tắm trước khi bố mẹ đến đón. Tới lượt cậu thì nhà trẻ hết nước, chủ nhà mở cổng bơm từ bên ngoài vào. Cậu bé 6 tuổi vụt chạy ra đường, mất hút luôn ngay sau đó.

Người mẹ khi đó đang bán bánh kẹo ở chợ Đồng Xuân nhận được điện thoại "Về nhà gấp". Khoảnh khắc biết Long mất tích, bà gục ngã ngay tại chỗ.

Lúc đó vợ chồng bà Nga mới có mình Long. Lấy chồng ba năm, liên tục xảy thai rồi chết lưu, đến Long mới giữ được nhưng sinh non thiếu tháng. Cậu bé lớn lên chậm nói nên năm 6 tuổi trường tiểu học gần nhà chưa nhận, hẹn sang năm mới cho vào lớp 1. Bà Nga gửi con sang cơ sở trông trẻ tư ở bãi Phúc Tân, gần nhà bà ngoại để buổi trưa bà qua chơi và trò chuyện thêm với cháu.

Nhưng được một tháng Long mất tích.

Không tìm thấy con, người mẹ lao đi gõ cửa từng căn nhà ở bãi Phúc Tân, tìm kiếm từng bến xe ra vào thủ đô và huy động vài chục người thân cùng bạn bè giúp sức. Họ đi dọc con đường ven sông Hồng, nơi chỉ cách chỗ gửi trẻ 300 m, nghe ngóng về những trường hợp chết đuối, nhưng cả tuần rồi cả tháng tung tích cậu bé 6 tuổi vẫn bặt vô âm tín.

Bà Nga nhượng lại sạp hàng cho người thân, cùng chồng lang thang khắp Hà Nội tìm kiếm, dán ảnh con trai mọi nơi rồi nhờ truyền hình, báo chí để lan truyền câu chuyện tới nhiều người. Thông tin bắt đầu dội về. Cứ nghe ở đâu có đứa trẻ giống Long là vợ chồng bà lại bỏ việc lên đường tìm kiếm.

Họ đi khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc nhưng đều trở về trong nỗi thất vọng.

Bà Huyền Nga bế con trai Hoàng Long năm 4 tuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhớ con, năm nào người mẹ cũng mua đồ chơi, quần áo mới để "chuẩn bị đón Long trở về". Bà Nga ước tính tốc độ phát triển của con trai, mua quần áo với kích cỡ từ khi cậu bắt đầu thất lạc đến lớn hơn để phòng con gầy hoặc mập lên. Bà còn mang quần áo cũ của con trai đặt vào một chiếc chảo lớn, đốt lửa rang lên bởi nghe có người mách là "như vậy Long thấy nóng ruột mà trở về".

Bao nhiêu bộ quần áo bị rang lên như thế nhưng vẫn không có chút thông tin gì về cậu bé. "Trái tim tôi bị xé nát nhưng lại không thể chết. Vết thương đó cào cứa từng giây từng phút khiến nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai", người mẹ nói.

Bà Nga kể từ ngày con mất tích thường bị ảo giác. Bà hay nghe thấy tiếng con gọi mẹ trong đêm. Cậu bé bị lạc vào biển người mênh mông, tìm thế nào không thấy hoặc tìm được Long cũng không nhận ra mẹ. Sợ hãi người mẹ ôm ghì lấy con nhưng cậu bé lại vùng vẫy thoát khỏi tay, lao mình đi và biến mất. Thấy bà kiệt sức, nhiều người thuyết phục nên sinh đứa con khác. Họ bảo tìm một đứa trẻ mất tích như mò kim đáy bể nhưng bà nói "nếu từ bỏ việc tìm kiếm, tôi không còn sức mạnh và can đảm để sống".

Mất con trai cũng ảnh hưởng mạnh đến tinh thần người cha, khiến ông tìm đến rượu giải sầu. Mâu thuẫn vợ chồng tích tụ. Ba năm sau họ ly hôn.

Cửa hàng đã sang nhượng, không việc làm, mất con, ly hôn, tay trắng rời khỏi nhà chồng, đã có lúc bà Nga muốn tự giải thoát cho mình. Có hôm ngồi bên mép sông Hồng nhìn ra xa, người phụ nữ từng nghĩ nếu bước lên tiếp, có thể mọi thứ sẽ tan vào nước. Nhưng rồi bà nghe thấy tiếng trẻ gọi mẹ trên bờ đê. "Bản năng lúc đó nhắc nhở tôi không được chết, không được phép dừng lại việc tìm con", bà kể.

Ở thời điểm khó khăn nhất, một người bạn rủ bà Nga sang Czech gây dựng cuộc sống mới, kiếm tiền và tiếp tục tìm con. Năm 1997, bà xách va ly rời Việt Nam.

Tại Czech, bà Nga kinh qua đủ thứ nghề, từ bán hàng cho tới bưng bê trong quán ăn. Bà luôn xin làm thêm giờ để vừa có thêm tiền, vừa khiến đầu óc ngưng suy nghĩ nhiều về con trai khi đã tập trung cho công việc.

Tiền kiếm được, ngoài phụ giúp bố mẹ đẻ bà còn để dành về Việt Nam mỗi năm hai lần để dò hỏi thêm thông tin về con trai. Mỗi lần có tin báo ở đâu, bà lại tay xách nách mang lên đường tìm con.

Bà Huyền Nga lật giở giấy khai sinh cũng như những tấm ảnh của Long khi còn nhỏ tại nhà riêng ở Hà Nội, trưa 9/10/2022. Ảnh: Hoài Phương

Từ năm 2009, mạng xã hội phát triển, em gái bà Nga là chị Phạm Thị Hoài Phương đăng tải thông tin tìm kiếm cháu trai lên các trang mạng xã hội và nhờ bạn bè chia sẻ. Chị Phương cũng giúp chị gái kết nối với các chương trình tìm người thất lạc, hy vọng Long có thể xem chương trình vào một ngày nào đó.

Hơn một tháng trước, bà Nga từ Czech về Việt Nam khi nhận được thông tin có người đàn ông tên Hưng ở Bình Dương có nhiều điểm trùng khớp với Hoàng Long. Mọi người trong gia đình đánh giá "ngoại hình rất giống Hoàng Long". Hưng, tên người đàn ông, nhớ mình bị lạc từ Hà Nội vào, tên hồi nhỏ cũng là Long. Anh được một cặp vợ chồng nhận nuôi từ năm 7 tuổi.

Bà Nga nhìn kỹ mỗi khi Hưng cười. Khuôn miệng anh dù không giống Long hồi bé nhưng người mẹ tự biện bạch "lớn rồi ai chẳng phá nét". Anh Hưng kể hồi nhỏ rất hiếu động, thường chạy thẳng ra ngoài đường nếu thấy cổng nhà hé mở. "Long cũng vậy, rất thích phóng ra ngoài đường, lúc sang hàng xóm xem ti vi, lúc tạt qua nhà ông bà ngoại gần đó", bà Nga nói.

Dù kết quả sau đó khiến người mẹ "chết thêm một lần nữa" nhưng chưa bao giờ bà ngừng hy vọng, một ngày sẽ gặp lại con trai mình. Nhiều lúc bà Nga tự an ủi nếu con trai vẫn được sống khỏe mạnh, dù không nhận ra mẹ đó cũng là điều may mắn.

"Chỉ cần con hạnh phúc, tôi đứng từ xa nhìn cũng được", bà nói.