Thịt gà được coi là loại thịt chủ yếu trong nhiều gia đình. Tuy nhiên, nguồn protein lành mạnh và thơm ngon này có nguy cơ nhiễm vi khuẩn cao.

Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, đó là lý do tại sao việc chuẩn bị, bảo quản và nấu đúng cách là rất quan trọng bởi nếu không nó có thể trở thành nguồn gây bệnh từ thực phẩm.

Bảo quản thịt gà trong tủ lạnh rất tiện lợi, nhưng nhiều người có thể thắc mắc rằng họ có thể ướp lạnh thịt gà trong bao lâu.

Thịt gà sống tốt nhất nên được bảo quản trong đồ đựng không rò rỉ (Đồ họa: Minh Nhật).

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), thịt gà sống có thể được giữ trong ngăn mát tủ lạnh của bạn khoảng 1 - 2 ngày. Điều tương tự cũng áp dụng cho gà tây sống và các loại gia cầm khác.

Trong khi đó, gà đã nấu chín có thể để được trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 3 - 4 ngày. Bảo quản thịt gà trong tủ lạnh giúp làm chậm sự phát triển của vi khuẩn, vì vi khuẩn có xu hướng phát triển chậm hơn ở nhiệt độ dưới 4⁰C.

Hơn nữa, thịt gà sống tốt nhất nên được bảo quản trong đồ đựng không rò rỉ để ngăn nước thịt tiết ra và làm nhiễm bẩn các thực phẩm khác. Thịt gà đã nấu chín nên được bảo quản trong hộp kín.

Nếu bạn cần bảo quản thịt gà lâu hơn, tốt nhất nên để trong ngăn đông của tủ lạnh. Những miếng thịt gà sống có thể được bảo quản trong tủ đông tới 9 tháng, trong khi một con gà nguyên con có thể được đông lạnh tới một năm. Thịt gà đã nấu chín có thể bảo quản trong tủ đông từ 2 - 6 tháng.

Thịt gà sống và nấu chín bắt đầu chuyển sang màu xanh xám là đã bị hỏng (Đồ họa: Minh Nhật).

Nếu bạn để gà trong ngăn mát tủ lạnh hơn một vài ngày, rất có thể nó đã bị hỏng. Dưới đây là một số cách để biết gà trong tủ lạnh có bị hỏng hay không:

- Thay đổi màu sắc: Thịt gà sống và nấu chín bắt đầu chuyển sang màu xanh xám là đã bị hỏng. Các đốm mốc từ xám đến xanh lục cho thấy sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc.

- Mùi: Cả thịt gà sống và nấu chín đều phát ra mùi giống như amoniac khi bị hỏng. Tuy nhiên, mùi này có thể khó nhận thấy nếu gà đã được ướp với nước sốt, thảo mộc hoặc gia vị.

- Kết cấu: Thịt gà có kết cấu nhầy nhụa là đã bị hỏng. Rửa gà sẽ không tiêu diệt được vi khuẩn. Thay vào đó, làm như vậy có thể làm lây lan vi khuẩn từ gia cầm sang các loại thực phẩm, dụng cụ và bề mặt khác, gây nhiễm chéo.

Bạn cần tránh nấu nướng và ăn thịt gà ôi thiu (Đồ họa: Minh Nhật).

Ăn thịt gà hỏng có thể khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm. Thịt gà có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao vì nó có thể bị nhiễm vi khuẩn như Campylobacter, Salmonella... Thông thường, những vi khuẩn này bị loại bỏ khi bạn nấu chín kỹ thịt gà tươi.

Tuy nhiên, bạn vẫn cần tránh nấu nướng và ăn thịt gà ôi thiu. Mặc dù hâm nóng hoặc nấu lại có thể tiêu diệt vi khuẩn trên bề mặt, nhưng nó sẽ không loại bỏ được một số độc tố do vi khuẩn tạo ra, đồng thời có thể khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm nếu ăn phải chúng.

Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng khó chịu và đôi khi nguy hiểm, bao gồm: sốt cao (trên 38,6⁰C), ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, phân có máu và mất nước.

Trong một số trường hợp, ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng có thể phải nhập viện và thậm chí dẫn đến tử vong. Nếu bạn nghi ngờ rằng gà của bạn bị hư hỏng, đừng ăn nó. Tốt nhất bạn nên vứt bỏ gà mà bạn nghi ngờ đã bị hỏng.

Việc ăn thịt gà chỉ nên là một phần của chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng (Đồ họa: Minh Nhật).

Hướng dẫn dinh dưỡng khuyến nghị rằng, người trưởng thành nên tiêu thụ khoảng 75-150g thịt gà (thịt không có xương) mỗi ngày. Điều này tương đương với 525-1050g thịt gà mỗi tuần.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc ăn thịt gà chỉ nên là một phần của chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng.

Bạn nên kết hợp thịt gà với các nguồn thực phẩm khác như: rau, trái cây, ngũ cốc, hạt, đậu và sữa chua để đảm bảo bạn nhận được đủ các dưỡng chất cần thiết.