Câu chuyện khiến tôi nhớ lại một bệnh nhi của mình vào 2 năm trước. Cậu bé là nạn nhân của tình trạng chiến tranh người lớn làm hại cho trẻ con.

Con bỗng hóa “câm” do bố mẹ

Bố mẹ cậu bé trai 4 tuổi đến gặp tôi trong tình trạng vô cùng lo lắng vì con bỗng dưng ngưng nói chuyện kéo dài khoảng hơn một tuần. Mẹ bé kể “trước đó bé nói líu lo như chim sáo, tự nhiên bây giờ một chữ cũng không mở miệng”.

Sau khi năm lần bảy lượt bị hỏi tới hỏi lui phụ huynh mới ái ngại “bật mí” bé bị như vậy sau một trận cãi vã dữ dội giữa ba mẹ và hai người đang làm thủ tục ly dị.

Khi khám, tôi thấy bé hoàn toàn bình thường, trừ việc bé có vẻ rụt rè và không nói chuyện. Tôi chẩn đoán là selected mutism (tạm dịch là câm chọn lọc) sau một biến cố gây sốc. Nó sốc và sợ hãi, không hiểu vì sao ba mẹ như vậy, trong trí óc non nớt của bé không thể nào lý giải vì sao ba mẹ không ôm nhau, hôn nhau, cười nói với nhau mà lớn tiếng xỉa xói nhau như kẻ thù.

Ảnh minh họa: Internet

Tôi khuyên hai người dù tình cảm ra sao vẫn phải cư xử hòa nhã, không cự cãi trước mặt con, dù có ly dị thì cũng ly dị có văn hóa. Cha mẹ và đứa trẻ được cho đi tư vấn tâm lý, mất gần 6 tháng con mới nói chuyện trở lại, và ba mẹ cũng không ly dị nữa. Hy vọng là họ học được một bài học nhớ đời.

Nghiên cứu trên trẻ con cho thấy khi cha mẹ cãi nhau, những trẻ từ 6 tháng trở lên có hiện tượng tăng nhịp tim và tăng hormone từ stress. Cha mẹ cãi nhau không phải chỉ có cha mẹ bị stress, mà cả con cái nữa.

Trong những nghiên cứu quan sát trẻ em sống trong môi trường mà cha mẹ cự cãi, bạo hành nhau suốt ngày, chiến tranh lạnh quanh năm, trẻ em sẽ có gián đoạn trong quá trình phát triển não bộ, rối loạn giấc ngủ, lo lắng, trầm cảm, rối loạn hành vi chống đối, và nhiều rối loạn về sức khỏe tâm thần khác nữa do phải sống trong sự mâu thuẫn tiêu cực từ cha mẹ.

Tự nhiên hay môi trường sống

Trẻ em có phản ứng khác nhau với những biến cố xung quanh mình.Trong đó hai yếu tố chính là di truyền và môi trường sống, những gì xảy ra hàng ngày trong gia đình.

Một số ghi nhận cho thấy ly dị không ảnh hưởng nặng lên con cái bằng những vụ cãi cọ trước, trong lúc và sau khi ly dị. Chính những cuộc chiến không hồi kết này là thủ phạm gây rối loạn sức khỏe tâm thần của trẻ.

Và những trẻ có nền tảng sức khỏe tâm thần yếu ớt sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn cả.Trẻ nữ dễ bị ảnh hưởng hơn trẻ nam.

 
Trẻ em thường cho rằng mình là nguyên nhân gây tranh cãi và tan vỡ của cha mẹ, chứ không phải là nạn nhân; các em sẽ bị ám ảnh và rối loạn tâm lý kéo dài nhiều năm sau đó.

Cha mẹ tranh cãi ồn ào hay chiến tranh lạnh đều ảnh hưởng đến trẻ con như nhau.

Trẻ con có gia đình thiếu tình yêu và tiếng cười thường có rối loạn hành vi, học hành kém, sử dụng chất gây nghiện, tăng nguy cơ trầm cảm và tự sát.

Trẻ con lớn lên trong nội chiến gia đình sẽ khó có một gia đình hạnh phúc của riêng mình vì chúng chưa bao giờ được học cách thương yêu, cách duy trì một mối quan hệ hạnh phúc hay cách giải quyết mâu thuẫn lịch sự thanh lịch. Có hai thầy cô giáo tồi, nên con trở thành học sinh cá biệt. Rồi con của chúng cũng lập lại y như thế.

Tác hại của chiến tranh gia đình là tác hại qua nhiều thế hệ, không phải chỉ một thế hệ, nó dai dẳng và nghiêm trọng hơn ta tưởng.

Thể hiện tình cảm bằng những lần ôm hôn, con cái sẽ học yêu thương

Chuyện cãi nhau là chuyện tất nhiên, chén trong rổ còn khua huống gì là hai người lớn với hai cái tôi to tổ bố, nhưng nên cãi nhau có văn hóa vì con, không cãi hay đánh nhau trước mặt con, có ly dị thì ly dị như hai người bạn chứ không phải kẻ thù. Vợ chồng gây nhau đầu giường, hòa nhau cuối giường, làm quá rồi làm sao làm chuyện sung sướng kia.

Ly dị như 2 người bạn, biết đâu rồi sẽ có 4 người bạn hạnh phúc. Đừng vì chuyện của mình mà hại một đời của con và có thể cả con của con mình.

Kinh nghiệm của tôi là những đứa lớn lên trong gia đình bạo lực, nghiện ngập, hiếu chiến, gần như không có đứa nào phát triển tâm lý bình thường hết, mà khó chữa vô cùng. Để vô đầu con trẻ được một giọt thương yêu, về nhà bé nhận một lít thù ghét sân si, như muối bỏ biển thôi.

Cha mẹ là hai người thầy cô đầu đời của con, không dạy con thương yêu, lịch thiệp, thì đừng hỏi tại sao con chỉ biết thù ghét, sân si hay buồn bã.

Thể hiện tình cảm bằng những lần ôm hôn, con cái sẽ học yêu thương. Biểu diễn những pha tung chưởng, con cái sẽ học dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

 

Giúp trẻ thoát khủng hoảng tâm lý

Theo ThS.BS. Nguyễn Minh Mẫn, BV. Đại học Y Dược TP.HCM việc giúp trẻ tách hẳn khỏi tình huống, sự kiện gây khủng hoảng là điều cần làm càng sớm càng tốt.

Chữa triệu chứng tổn hại cơ thể về mặt thể chất như giảm đau, kháng viêm, chữa trị, chăm sóc vết thương do tai nạn, bỏng, bạo hành, hiếp dâm… cho trẻ thuốc an thần, gây ngủ trong vài ngày đầu.
Nâng đỡ về mặt thể chất, bồi dưỡng cho trẻ để giúp trẻ sớm lấy lại sức. Tâm lý trị liệu thích hợp cho trẻ trong những trường hợp hoảng loạn nhiều, kéo dài trên một tuần, đặc biệt ở những trẻ lớn, vốn có tính hay lo sợ, nhút nhát; những trẻ bị khủng hoảng nặng nề từ một số tình huống đặc biệt như bạo hành, hiếp dâm, tai nạn giao thông, cướp bóc, khủng bố…Tránh la mắng trẻ khi trẻ nghĩ về sự kiện gây khủng hoảng. Đừng khoét sâu

vào nỗi đau của trẻ bằng nhiếc móc, đổ thừa… Tránh bắt trẻ kể lại sự việc khủng khiếp đã xảy ra, trừ khi trẻ tự mình kể lại chuyện đó, nên tôn trọng phản ứng của trẻ.
Tránh những phản ứng thái quá của người lớn trước mặt trẻ như nổi giận, văng tục, hăm dọa,… đối với đối tượng gây hại cho trẻ. Ở những trẻ lớn, cha mẹ cần để ý dặn trẻ tránh lạm dụng rượu, ma túy để ứng phó với đau buồn.

Người nhà, bè bạn, thầy cô, xã hội cần tránh “nhắc lại mãi”, vô tình “làm mới” ký ức đau buồn của trẻ, tránh ruồng bỏ, khinh khi trẻ, tránh làm tổn thương tâm lý trẻ nhiều hơn.
Phụ huynh nên luôn ở bên trẻ sau khi xảy ra khủng hoảng, để giúp trẻ cảm thấy không bơ vơ, đơn độc đối phó với sang chấn. Cố gắng giúp trẻ duy trì nề nếp sinh hoạt hàng ngày như trước khi xảy ra khủng hoảng.
Giải thích về khủng hoảng cho trẻ cần chọn lọc, rất vắn tắt, cố gắng “bình thường hóa” sự kiện, đừng “đào sâu” quá những tình huống khủng hoảng đã xảy ra.

Tạo điều kiện đưa trẻ đi du lịch, giải trí, nghe nhạc vui tươi, tập thể dục thích hợp, giúp trẻ nguôi ngoai dần nỗi đau; thời gian đồng hành cùng các cách trợ giúp tích cực sẽ xóa dần “ký ức khủng hoảng” trong tâm tưởng trẻ.

Luôn thể hiện sự yêu thương, đùm bọc, sẵn sàng trợ giúp trẻ, để trẻ thấy có chỗ dựa an toàn, lấy lại lòng tin, mạnh mẽ, vượt qua thử thách. Xây dựng niềm tin mới, tích cực cho trẻ.
Đồng hành cùng trẻ, huấn luyện trẻ những kỹ năng nhìn nhận, chấp nhận và thích ứng với khủng hoảng, đối phó tích cực với khủng hoảng nhằm giúp trẻ vượt qua khủng hoảng một cách bền vững.Ở điểm này, có thể vai trò của chuyên gia tâm lý thật sự cần thiết.

PHƯƠNG NGHI