"Mẹ rất quan tâm nhưng luôn làm sai..., chào bố, một người dễ nóng..." là những gì em để lại trong thư, có lẽ đó chẳng phải là sự bồng bột của tuổi vị thành niên.

Khi câu chuyện được chia sẻ, bên cạnh những lời thương xót còn có những dòng bình luận ác ý trách móc cả em và cả phụ huynh, trách phụ huynh gây áp lực rồi nói em không tỉnh táo...

Chuyện đau buồn đã xảy ra, bây giờ không thể nói ai đáng thương hay ai đáng trách bởi nỗi đau lớn nhất vẫn thuộc về gia đình, là sự ám ảnh của bạn bè và những người xung quanh.

Sau câu chuyện này lại có một bài học vô cùng lớn cho các bậc phụ huynh, đừng để con em mình gánh quá nhiều áp lực, những đôi vai nhỏ không đủ sức gồng lên. Biết rằng cha mẹ có áp lực của cha mẹ không chỉ từ ngoài xã hội nhưng hay để cho con em mình được tự do một chút, nhẹ nhàng một chút để phát huy khả năng tốt nhất.

Các con các em đâu phải chỉ có việc học, đâu phải dễ dàng không áp lực, thực ra chúng cũng đều tự đặt ra mục tiêu và áp lực cho bản thân rồi, nên nếu quá nhiều sức ép sẽ dẫn đến những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực.

Nhiều người hay nói, trẻ bây giờ không giống trẻ ngày xưa, đây là câu nói đã từng nhận nhiều ý kiến trái chiều bởi nhiều thế hệ khác nhau. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân, tôi thấy hợp lí bởi trẻ ngày xưa không có nhiều cơ hội tiếp cận các phương tiện điện tử nên tâm lý ít có sự ảnh hưởng hơn. Không phải là đổ lỗi cho sự phát triển công nghệ nhưng thật sự không thể phủ nhận rằng các phương tiện truyền thông, điện tử ảnh hưởng rất nhiều đến giới trẻ ngày nay.

Ngày xưa, trẻ em giận dỗi cha mẹ bỏ nhà đi rồi tự nói sẽ làm bố mẹ hối hận, nhưng cũng chỉ là bỏ nhà đi hoặc thực thì cũng chỉ trốn vào một góc nào đó chứ chẳng dám đi xa để bố mẹ dành thời gian quan tâm tìm kiếm. Có những câu chuyện vui về tụi trẻ nghĩ đến việc bỏ nhà ra đi, kết quả là ngủ quên dưới gầm giường hay trong tủ quần áo để cha mẹ tìm được lại "ăn" thêm vài cây.

Nhưng điều đáng nói, người lớn hay trẻ em, thời nào cũng vậy cả, mỗi người đều có suy nghĩ cũng như nỗi áp lực cá nhân, tuy nhiên đừng đem những muộn phiền của bản thân trút lên người thân yêu bên cạnh để xảy ra điều đáng tiếc. Ở ngoài cũng có nhiều sự mệt mỏi từ xã hội nhưng không ai muốn nhận cái khó chịu đè nèn từ người thân trong gia đình, đó là điều buồn nhất.

Trong gia đình, mỗi người nên tự cân bằng cảm xúc và suy nghĩ của bản thân, hãy dành thời gian để các thành viên có thể trò chuyện, bày tỏ quan điểm cá nhân trong mọi vấn đề để "nhà" luôn là nơi đầy tình yêu thương để trở về. 

Ai cũng muốn trở về nhà với yêu thương, mở cửa bước vào với niềm vui, bỏ lại khó khăn áp lực bên ngoài để tất cả thành viên cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.

Các bậc phụ huynh nên quản lý con em một cách nhẹ nhàng, để chúng "tự do trong khuôn khổ" bởi khi thoải mái khả năng của trẻ mới phát huy, tư duy cũng được phát triển tối đa, gia đình là tế bào của xã hội vì vậy mọi người cần chung tay xây dựng chứ không phải tự tay hủy hoại.