Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, ngày 9-11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trình bày nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Sau đây, có 10 điểm mới về đề xuất chính sách nhà giáo đáng lưu ý trong dự thảo Luật Nhà giáo:

1. Luật Nhà giáo được xây dựng với sự đổi mới về quan điểm trong việc quản lý và phát triển lực lượng nhà giáo.

Đó là quan điểm chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn và các công cụ quản lý chất lượng; từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực. Đây là điểm mới về cách tiếp cận, được áp dụng nhất quán trong quá trình xây dựng luật và thể hiện ở từng nội dung.

2. Đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật Nhà giáo là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Lần đầu tiên, có căn cứ pháp lý cho việc nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản của nhà giáo và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.

3. Lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống. Nhà giáo đặt trước yêu cầu phát triển không ngừng, được bảo vệ thông qua quyền của nhà giáo và những điều cá nhân/tổ chức không được làm đối với nhà giáo.

4. Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn theo yêu cầu về năng lực nghề nghiệp gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.

5. Quy định yêu cầu thực hành sư phạm trong tuyển dụng nhà giáo nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo.

Các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được đề xuất trong dự luật làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo.

Một giờ học của cô trò Trường Tiểu học Hoà Bình, quận 1. Ảnh: NGUYỆT NHI

6. Ngành giáo dục có vai trò và được chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo.

Trong đó, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là các cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục giữ vai trò chủ trì trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo.

7. Chính sách tiền lương của nhà giáo được đề xuất bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật..

Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp...

8. Nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác (như việc đảm bảo nhà công vụ, được thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết...).

9. Nhà nước có chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo..

10. Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Theo kế hoạch, ngày 20-11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo. Sau đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.