Các tỉnh còn lại tiếp tục căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương để quyết định cho học sinh đi học trở lại vào thời điểm thích hợp.

Trước khi cho học sinh trở lại trường, các nhà trường phải thực hiện việc phun khử khuẩn trường học, sát khuẩn bàn ghế, dụng cụ dạy học...

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và các đơn vị thuộc Bộ đã luôn bám sát, nắm bắt tình hình dịch bệnh, cập nhật, chủ động, tích cực chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong toàn ngành.

Chủ động rà soát các văn bản, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế hướng dẫn các nhà trường triển khai kịp thời các nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh; quán triệt cho cán bộ, công chức và người lao động thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định 5K của Bộ Y tế.

Về một số giải pháp phòng, chống COVID-19 trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch bệnh và bám sát chỉ đạo của cấp trên về phòng, chống dịch Covid -19, dự báo tình hình dịch bệnh để chỉ đạo các nhà trường.

Cùng với đó, xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống dịch bệnh như điều chỉnh khung kế hoạch giáo dục thời gian năm học 2020-2021 tương ứng với dự kiến diễn biến tình hình của dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức dạy học trực tuyến đảm bảo chất lượng theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục. Tập huấn giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục mới hiệu quả và chất lượng...

Liên quan đến phòng chống COVID-19, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn quy trình xử trí các trường hợp F0 và quy trình cách ly tại chỗ các trường hợp F1, F2 và F3 liên quan đến trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, đến nay, đã có 32.060 trường học, chiếm tỷ lệ 63%, đã triển khai cài đặt và sử dụng ứng dụng An toàn COVID-19 trong thời gian 1 tháng qua (từ ngày 18/1-18/2/2021).