Bác sĩ Chen Jingyu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Vô Tích đã chia sẻ trên Weibo bức ảnh chụp đơn thuốc đặc biệt mà ông kê cho nữ bệnh nhân. Bác sĩ Chen viết: "Hôm nay tại phòng khám, một phụ nữ phát hiện có nốt sần ở phổi dưới bên phải nên rất lo lắng. Cô ấy hỏi tôi nên uống thuốc gì. Tôi nói rằng cô ấy không cần dùng thuốc và chỉ cần theo dõi thêm. Cô ấy hỏi tôi liệu thói quen hút thuốc của chồng cô ấy có phải là nguyên gây ra bệnh phổi của cô. Tôi đáp lại: “Đó cũng là một yếu tố tác động đến”.

Tuy nhiên người phụ nữ buồn rầu nói rằng không thể thuyết phục được chồng bỏ thuốc. Vì vậy, cô ấy đã nhờ tôi viết lên đơn thuốc dòng chữ: “Yêu cầu chồng bỏ thuốc lá” để chồng cô từ bỏ thói quen tai hại này. Và từ đó đơn thuốc kỳ lạ ra đời."

Đơn thuốc đặc biệt với dòng chữ "Yêu cầu chồng bỏ thuốc lá" (phần khoanh tròn).

Thoạt nhìn qua, đơn thuốc này có chút buồn cười nhưng đó thực sự là một lời khuyên nghiêm túc. Là một chuyên gia nổi tiếng trong ghép phổi, bác sĩ Chen Jingyu luôn nhấn mạnh tác hại của việc hút thuốc đối với sức khỏe phổi.

Chồng hút thuốc ảnh hưởng như thế nào tới vợ?

Ung thư phổi: Hàng chục nghiên cứu trên khắp thế giới đã xác nhận rằng phơi nhiễm khói thuốc thụ động có liên quan đến ung thư phổi. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ không hút thuốc kết hôn với người chồng hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn. 

Viện Ung thư Quốc tế, Giám đốc Y tế Hoa Kỳ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và nhiều tổ chức khoa học trên thế giới cũng đã đưa ra kết luận tương ứng rằng khói thuốc lá tại nhà và nơi làm việc có thể làm tăng 20% ​​nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi đối với những người không hút thuốc.

Ung thư vú: Báo cáo năm 2005 của Cơ quan Bảo vệ Môi trường California chỉ ra rằng phụ nữ tiền mãn kinh tiếp xúc với khói thuốc thụ động làm tăng nguy cơ ung thư vú. Ước tính phơi nhiễm khói thuốc thụ động có thể tăng nguy cơ ung thư vú tăng gần 70% đối với nhóm phụ nữ này.

Ảnh minh họa: Internet

Các triệu chứng và bệnh về đường hô hấp: Dữ liệu nghiên cứu cho thấy phơi nhiễm khói thuốc lá đóng vai trò quan trọng trong việc xuất hiện các triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính và giảm chức năng phổi. Ngoài ra, khói thuốc lá có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn ở người lớn.

Cha hút thuốc ảnh hưởng như thế nào tới con?

Bệnh hô hấp: Cha hoặc mẹ hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp dưới ở trẻ em, chẳng hạn như viêm phế quản và viêm phổi, đặc biệt là trong năm đầu tiên. Nhiều cuộc điều tra đã chỉ ra rằng con của những người hút thuốc gặp các triệu chứng hô hấp thường xuyên hơn như ho, khạc đờm và thở khò khè. 

Hen suyễn: Tiếp xúc với khói thuốc thụ động có thể làm cho trẻ em bị hen suyễn nặng hơn và gây ra bệnh hen suyễn ở trẻ em không bị hen suyễn.

Giảm tốc độ phát triển phổi: Năm 1986, Giám đốc Y tế Hoa Kỳ kết luận rằng khói thuốc có thể làm giảm tốc độ phát triển chức năng phổi ở trẻ em. 

Ảnh minh họa: Internet

Bệnh viêm tai giữa: Tiếp xúc với khói thuốc lá có thể gây viêm tai giữa ở trẻ em. Bệnh tai giữa thường gặp này khiến một số lượng lớn trẻ em phải điều trị y tế hàng năm và có thể gây tổn thương thính giác nếu không được xử lý đúng cách.

Tác động đến thai nhi và trẻ sơ sinh: Phụ nữ không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc khi mang thai, điều này có thể dẫn đến nhẹ cân và sinh non. Ngoài ra, tiếp xúc với khói thuốc lá có thể gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Các ảnh hưởng sức khỏe khác liên quan đến phơi nhiễm khói thuốc lá bao gồm chậm phát triển trong tử cung và sảy thai tự nhiên (phá thai).