Đọc bài viết "Băn khoăn vì tháng nào vợ chồng tôi cũng chia đều tiền sinh hoạt", tôi cho rằng không thể cào bằng mọi thứ. Nếu hai vợ chồng mới cưới, cùng đi làm thì mọi thứ chia đôi không sao. Nhưng khi người vợ đã phải nghỉ thai sản, hoặc đi làm sau khi có con, mọi chuyện sẽ rất khác.

Với những công việc nhàn nhã, thì sau khi nghỉ thai sản người mẹ đi làm và vẫn có thể hưởng nguyên lương. Nhưng với công việc áp lực cao (như một số bộ phận ở ngân hàng), người phụ nữ đi làm sau sinh dễ bị thuyên chuyển đến bộ phận khác, hoặc làm việc với một khối lượng công việc thấp hơn, lương thấp hơn, vì không thể làm thêm giờ nhiều như trước. Vậy lúc này mọi thứ vẫn chia đôi, liệu có công bằng với người phụ nữ không?

Đàn ông sau khi kết hôn hầu như chỉ phải hy sinh một chút tự do, chứ không phải hy sinh sự nghiệp như phụ nữ. Nên việc đàn ông gánh vác kinh tế trong gia đình nhiều hơn một chút cũng không có gì là quá đáng cả. Còn nếu tính toán chi ly, tôi thấy, việc nhà ở các gia đình người vợ làm nhiều hơn, giỗ Tết cũng chỉ thấy nàng dâu về nhà chồng lo cơm nước, thắp hương ông bà, chứ con rể không phải làm điều đó với nhà vợ; bố mẹ chồng ốm, con dâu thường phải đến chăm, trong khi bố mẹ vợ ốm, con rể chỉ đến thăm rồi về.

Tôi cho rằng, hai vợ chồng nên lập ra một quỹ chung, đóng góp vào đó để chi tiêu, và minh bạch sinh hoạt phí cũng như các khoản trả nợ, trả lãi, tiền tiết kiệm chung, đầu tư chung vào đó, để hai bên biết được trong nhà có bao nhiêu tiền. Nhiều gia đình đã lục đục vì mô hình vợ lo sinh hoạt phí, chồng lo trả nợ hoặc tiết kiệm; đến lúc vợ giảm lương, nghỉ làm vì sinh con, bảo chồng đưa tiền sinh hoạt phí nhưng chồng lại kỳ kèo. Có người còn nói: "Tiền chợ sao nhiều thế?".
 
Tất nhiên, sau khi đóng góp đủ phần quỹ chung đó, hai người có thể giữ lại quỹ riêng, hoặc tiền thưởng, tiền làm thêm vượt ra thu nhập hàng tháng người kia thì có giữ riêng. Nếu tiền ai nấy tiêu sẽ rất thiệt thòi cho người phụ nữ sau khi có con, vì công việc của họ sẽ không được như trước nữa.

Tóm lại, vợ chồng sống chung với nhau là bao bọc, yêu thương, san sẻ, và lo lắng cho nhau, chứ không phải tính toán với nhau từng đồng, từng cắc. Nếu kiểu tiền ai nấy tiêu, hay chia đều chằn chặn, đến lúc có con, người vợ không đi làm, hoặc bị giảm lương sẽ nảy sinh mâu thuẫn ngay.