Đổi gió hay… “nổi gió”?

Yêu nhau được 2 năm, Trinh (đã thay đổi họ tên) ôm bó hoa theo chàng “về dinh”. Cả hai đều hợp nhau từ quan điểm sống cho đến “chuyện ấy” nên cuộc sống hôn nhân của Trinh vô cùng mỹ mãn.

Mọi chuyện chỉ rắc rối từ khi Trinh sinh con đầu lòng. Chuyện “phòng the” xuống dốc không phanh vì Trinh bị chứng khô hạn sau sinh.

Dù chồng “khều khều” nhưng cô vẫn giả vờ ngủ vì sợ đau. Tuy nhiên, sau một lần được bạn thân “thông não” rằng nếu cứ tiếp tục thế này, chồng có thể cặp bồ vì thiếu thốn tình cảm, Trinh mới giật mình.

Để làm mới chuyện chăn gối, Trinh đã theo chân cô bạn đi mua váy ngủ thật quyến rũ và lên kế hoạch cho việc “đổi gió”. Gửi con cho ông bà nội trông giúp, vợ chồng Trinh đi du lịch vài ba ngày.

Quả đúng như lời rỉ tai của bạn thân, cú "đổi gió" này khiến Trinh cảm thấy tình cảm vợ chồng thêm thắm thiết, nồng nàn. Biển đẹp, hải sản ngon, vợ chồng có cơ hội gần gũi nhau nhiều hơn bao giờ hết.

Nhiều mầm bệnh có thể lây lan tại nhà nghỉ không đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa.

Thế nhưng khi trở về, Trinh thấy “cô bé” ngứa ngáy vô cùng khó chịu kèm sốt, đau bụng. Đến khi không thể chịu đựng được nữa, Trinh đi khám thì tá hỏa biết mình bị bệnh lậu.

“Không thể như thế được! Chồng không bị bệnh thì sao tôi có thể bị bệnh lậu được?”, Trinh hét lên ở phòng khám.

Sau khi hỏi cặn kẽ, bác sĩ nhận định có thể cô đã lây thứ bệnh nguy hiểm này từ đống chăn ga của nhà nghỉ. Chuyến đi chơi tưởng chừng giúp Trinh “đổi gió”, ai ngờ kết quả khám bị bệnh lậu khiến cô “nổi gió”, đùng đùng giận chồng ra mặt.

Vợ chồng trẻ mắc bệnh lậu sau khi đi nhà nghỉ, chuyện tưởng chừng rất vô lý nhưng theo bác sĩ Lương Trường Sơn, Phó viện trưởng viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh, phụ trách phòng khám da liễu Đồng Diều nhận định với những phòng ốc không đảm bảo chất lượng vệ sinh, chăn ga gối không thay sạch sẽ, người dùng hoàn toàn có thể nhiễm phải căn bệnh lậu.

Bác sĩ Lương Trường Sơn, Phó viện trưởng viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh, phụ trách phòng khám da liễu Đồng Diều. Ảnh: BSCC

"Bệnh lậu chủ yếu lây trực tiếp qua con đường quan hệ tình dục không lành mạnh. Lây qua quan hệ tình dục đường âm đạo, hậu môn và miệng họng. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con khi sinh đẻ gây lậu mắt trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, căn bệnh này có thể lây gián tiếp qua vật dụng dính dịch tiết của người bệnh như chăn, ga, gối, đệm, khăn tắm, khăn lau, bồn vệ sinh… Đặc biệt là tại các nhà nghỉ, phòng trọ, trọ nghỉ theo giờ với tần suất khách ra vào nhiều. Đường lây này dù hiếm nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra. 

Qua khai thác bệnh sử, có những chị em đau khổ cho biết họ không có quan hệ ngoài luồng mà vẫn mắc bệnh”, Bác sĩ Lương Trường Sơn cho hay.

Lây bệnh vì thói quen sử dụng đồ đạc chung chạ

Bác sĩ Trường Sơn lý giải, sở dĩ chị em dễ mắc bệnh lậu hơn so với nam giới khi chung chạ đồ đạc vì vi khuẩn lậu có “cảm hứng” đặc biệt với niêm mạc sinh dục nữ có độ bám dính, ẩm ướt.

Sau khi tiếp xúc với niêm mạc sinh dục, vi khuẩn lậu sẽ sinh sản và tấn công lên trên, 3 – 5 ngày bùng phát dữ dội.

Biểu hiện dễ gặp nhất là nam giới bị tiểu buốt, đau, có dịch mủ. Chị em có biểu hiện sốt, đau bụng, đau lưng, mệt mỏi và ra nhiều khí hư, cổ tử cung có nhọt gây đau đớn. Điều đáng nói là bệnh lậu ở nữ khó điều trị hơn nam giới vì cấu tạo cơ quan sinh dục nhiều ngóc ngách. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây rối loạn sinh lý.

Để phòng bệnh, bác sĩ Trường Sơn khuyến cáo chị em nên đề cao cảnh giác, tránh sử dụng chung dụng cụ có nguy cơ trở thành nguồn lây nhiễm bệnh, đặc biệt là khăn, chăn đệm, quần áo, bồn cầu vệ sinh ở nơi công cộng.

Nếu nghi ngờ mắc bệnh, nên tới bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị triệt để. Hiện nay bệnh lậu đã kháng nhiều thuốc kháng sinh, vì thế người bệnh tuyệt đối không tự ý chữa bệnh mà chuốc hậu quả khôn lường.