Đang chữa ung thư lại phát hiện thêm bệnh mới

Cách đây hơn 2 năm, bà M. có triệu chứng đi ngoài phân có nhầy máu, dùng thuốc đông y 1 tuần nhưng không đỡ. Bà M. đi khám bệnh tại một bệnh viện ở Hà Nội, được nội soi đại tràng phát hiện khối u tại trực tràng, đã sinh thiết tổn thương, mô bệnh học là ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa. Bệnh nhân đã được điều trị ngoại khoa cắt đoạn trực tràng và vét hạch.

Bản thân bà M. có tiền sử viêm gan B, tăng huyết áp và đái tháo đường tuýp II. Chẩn đoán ung thư đại trực tràng, bà M. được phẫu thuật và tiến hành điều trị theo phác đồ. Bệnh có tiến triển tốt.

Tuy nhiên, khi kiểm tra bác sĩ lại phát hiện ở vú có một khối u. Khi làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng thì đó là ung thư vú ác tính. GS Mai Trọng Khoa Nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết khi đó các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân và chẩn đoán mô bệnh học bằng hai phương pháp HE và PAS: 03 mảnh sinh thiết kim lấy vào mô tuyến vú có u.

Bệnh nhân đa ung thư ngày càng nhiều - Ảnh: Internet

Tế bào u nhân lớn, tương đối đều nhau, ưa kiềm, hạt nhân nhỏ, bào tương hẹp, ít nhân chia, sắp xếp thành ống tuyến không đều nhau, dạng đặc, tại chỗ, nhiều vùng tế bào u xâm nhập trong mô đệm xơ viêm. Kết luận bà M. bị ung thư biểu mô ống xâm nhập độ I. Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật Patey vú phải (cắt toàn bộ tuyến vú và nạo vét hạch nách phải).

GS Khoa cho biết trong quá trình điều trị, bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt, tình trạng sức khỏe dần ổn định. Hiện nay, sau hai năm điều trị hai loại ung thư, bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị, sức khỏe ổn định, ăn uống tốt, ngủ được, đại tiểu tiện bình thường. Cân nặng tăng từ 34kg lên 42kg, không phát hiện các tổn thương bất thường khác.

Ngày càng nhiều người bị đa ung thư

GS Khoa biết số bệnh nhân mắc đa ung thư không phải là ít. Những trường hợp bị đa ung thư, các bác sĩ thường phải cân nhắc điều trị rất nhiều. Ví dụ trường hợp của bà M., bác sĩ cũng tầm soát cả ung thư tuyến giáp khi bệnh nhân có u tuyến giáp nhưng may mắn không có tế bào ác tính.

Hiện nay, việc điều trị ung thư đã mang lại nhiều kết quả tốt và việc một người bệnh bị liền lúc 2, 3 bệnh ung thư cũng có kết quả điều trị khá tốt.

Cụ thể, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị M., (38 tuổi, quê Hà Nam) vào viện vì đau bụng vùng dưới rốn.

GS Mai Trọng Khoa - Ảnh: Internet

Bệnh nhân xuất hiện đau bụng âm ỉ vùng dưới rốn, không ra máu âm đạo bất thường. Chị M. được chẩn đoán ung thư buồng trứng trái giai đoạn FIGO IA, bệnh nhân được phẫu thuật tử cung toàn bộ, cắt buồng trứng hai bên, mạc nối lớn. Chị M. được bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u buồng trứng trái kích thước 25x15x12cm, có vách tạo nhiều khối nhỏ trong khối, phúc mạc không có tổn thương di căn, không có dịch tự do trong ổ bụng.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân lại được phát hiện có tổn thương ở tuyến giáp nên bác sĩ tiến hành xét nghiệm chọc hút kim nhỏ tổn thương tại tuyến giáp dưới hướng dẫn siêu âm. Bác sĩ phát hiện khối u tuyến giáp thùy trái đường kính 8mm, có vôi hóa trong khối. Xét nghiệm tế bào học tại nhân thùy trái tuyến giáp: Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú.

Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ và nạo vét hạch tại khoa tai mũi họng Bệnh viện Bạch Mai. Giai đoạn sau phẫu thuật T1N0M0.

"Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu Globocan, mỗi năm thế giới có trên 18 triệu người mắc ung thư và trên 9,5 triệu người tử vong. Việt Nam mỗi năm có 165.000 ca mới mắc và 115.000 ca tử vong.

Số người mắc và tử vong do ung thư ngày càng nhiều và hiện nay tại các trung tâm ung bướu lớn, các bác sĩ đều đang cố gắng điều trị ung thư một cách tốt nhất có thể. Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm thì cơ hội điều trị bệnh được tốt hơn. Những bệnh nhân đa ung thư cũng không nên quá lo lắng vì bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị, ưu tiên ung thư ở vị trí nào hơn", GS Khoa chia sẻ.