Điều dưỡng BV Bạch Mai mắc Covid-19: 'Tôi bị sốt, xin làm xét nghiệm'
Cuối giờ chiều 20/3, Bộ Y tế đã công bố hai điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là những nhân viên y tế đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 ở Việt Nam.
Đặng Thị Thu Hà (34 tuổi, nữ điều dưỡng tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai) là một trong số đó.
Sau 21 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, kết quả xét nghiệm cho thấy cô vẫn còn dương tính với SARS-CoV-2. Trong phòng bệnh, dù còn mệt, Hà vẫn cố gắng chia sẻ những gì mình đã trải qua.
Cuộc điện thoại trong đêm
- Trước khi phải nhập viện điều trị, công việc hàng ngày của chị là gì?
- Tôi là điều dưỡng tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Từ đầu tháng 2, tôi được giao nhiệm vụ ở phòng sàng lọc Covid-19. 10 năm trong nghề, lại trực tiếp làm trong ngành truyền nhiễm, tôi hiểu rõ về nguy cơ phơi nhiễm của mình cũng như những đồng nghiệp khác. Từ khi có dịch, tôi lại càng có ý thức giữ gìn. Vì vậy, bản thân hạn chế không tiếp xúc với những người trong gia đình.
- Khi biết tin mình nhiễm SARS-CoV-2, chị đang ở đâu?
- Đó là buổi tối 19/3, bên ngoài là trời mưa rét. Tôi đang ở nhà cùng chồng và hai con trong phòng riêng. Buổi sáng hôm đó, tôi vẫn đi làm bình thường nhưng có dấu hiệu sốt, ho nên đã chủ động xin lãnh đạo được xét nghiệm sớm. Sau khi lấy mẫu, thấy tôi mệt, sếp bảo tôi về nhà nghỉ, đợi kết quả.
Đến tối, tôi nhận được cuộc gọi đầu tiên của lãnh đạo trung tâm (Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - PV) là TS Đỗ Duy Cường. Sếp thông báo về xét nghiệm lúc sáng với kết quả “Nghi ngờ dương tính”. Sau đó, phó giám đốc bệnh viện cũng gọi cho tôi. Rồi CDC Hà Nội gọi đến thông báo thêm hai việc: "Chị cần phải đi điều trị tập trung và gia đình chị cũng lập tức phải đi cách ly". Lúc đó, tôi như rơi vào khoảng trống.
- Chị có bất ngờ khi nghe tin mình mắc bệnh?
- Tôi không nghĩ mình lại mắc bệnh. Khi được thông báo, sau cảm giác bất ngờ, điều duy nhất trong tôi là sự lo lắng. Tôi lo cho những người thân của mình, rồi đồng nghiệp của mình, liệu ai có thể nhiễm bệnh từ mình hay không. Lúc đó, tôi chỉ kịp chia sẻ với chồng, nói cho anh biết tình hình để yên tâm và nhờ anh thông báo cho gia đình, động viên cả nhà đi cách ly. Tôi ở chung với đại gia đình chồng, gồm 12 người, cả bố mẹ, các anh chị và các con, các cháu.
Ngay trong tối hôm đó, CDC Hà Nội cho người tới lấy mẫu xét nghiệm của toàn bộ 12 người trong đại gia đình tôi và tiến hành phun khử khuẩn. Tôi được đưa đi bằng xe cấp cứu ngay trong đêm. Khi tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là 2h sáng 20/3. Tôi đi rồi, không lâu sau đó, cả nhà cũng được đưa đến cách ly tập trung tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội).
Do làm ở Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, từ khi có dịch Covid-19, tôi hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, chỉ chủ yếu sinh hoạt cùng chồng con tại phòng riêng.
Ngồi trên xe, tôi thực sự lo lắng. Tôi lo cho những người thân của mình, rồi đồng nghiệp của mình, liệu ai có thể nhiễm bệnh của mình hay không. Bố tôi 85 tuổi, mẹ 73, đều rất cao tuổi, các con và cháu đều rất bé. Tôi lo vì mình mà họ nhiễm bệnh.
Ngay cả lúc tạm biệt chồng, con để lên xe đến bệnh viện điều trị, tôi chẳng dám ôm con dù cả hai con đều đang thức.
"Tôi khó thở, rất mệt"
- Bản thân chị có biết mình lây bệnh từ đâu không?
- Tôi không dám khẳng định điều gì cả. Vì điều này rất khó nói, khó để phân định rõ ràng.
- Tình trạng của chị trong thời gian đầu nhập viện như thế nào?
- Chỉ một ngày sau khi nhập viện, đến tối 20/3, tôi rơi vào tình trạng khó thở nên được chuyển lên phòng Cấp cứu và nằm tại đó tới 11 ngày. Mỗi ngày, tôi được theo dõi liên tục bằng máy monitor. Tôi khó thở, rất mệt, đau người ê ẩm, ho rất nhiều. Mỗi cơn ho khiến tôi không thở được. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại như thế. Quãng thời gian đó, tôi cũng không thể ăn uống.
Thời gian đầu, tôi mệt đến mức không thể liên lạc được với ai, kể cả hai con nhỏ của mình. Sau này, tôi đỡ hơn thì mới liên lạc lại với gia đình và mọi người. Tôi chỉ biết nghĩ tới gia đình để làm động lực cố gắng vượt qua. Dù khó thở tôi vẫn cố tập thở, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, dẫn lưu tư thế, phối hợp cùng bác sĩ. Sau khoảng 5 ngày, tôi mới đỡ khó thở, sau đó ổn định dần.
Sau khi tôi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, cô Hạnh - điều dưỡng tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới nơi tôi làm việc - cũng dương tính. Cô cũng phải chuyển vào khoa Cấp cứu cùng với tôi. Nhưng lúc đó, cả hai cô cháu đều nặng, khó thở và mệt nên không thể nói chuyện với nhau.
Khi sức khỏe khá hơn, chúng tôi mới nói chuyện được với nhau và chỉ biết động viên nhau mà thôi. Lần mới nhất, qua điện thoại, cô Hạnh kể đã âm tính một lần.
- Sau 21 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của chị đã có nhiều tiến triển?
- Tôi được chuyển khỏi phòng Cấp cứu từ ngày 31/3. Hiện tại, tôi đỡ hơn nhiều và ở cùng với các bệnh nhân Covid-19 khác. Đặc biệt, may mắn khi tất cả người tiếp xúc với tôi đều âm tính. Đồng nghiệp tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đều âm tính tới 3 lần.
Gia đình tôi cũng không ai mắc bệnh. Họ đã được trở về nhà từ ngày 1/4 nhưng vẫn được áp dụng biện pháp cách ly tại nhà.
Tôi mừng lắm. Tôi đã trút được gánh nặng suốt những ngày vừa qua. Ngày 25/3, tôi được thông báo âm tính lần đầu. Tuy nhiên, sau đó, tôi lại được thông báo dương tính yếu ở những lần sau.
Mỗi ngày, tôi nhận đều được những cuộc gọi hỏi thăm, động viên từ lãnh đạo, đồng nghiệp, gia đình. Đó là nguồn động viên to lớn. Tôi muốn gửi gắm lòng biết ơn đến lãnh đạo bệnh viện và trung tâm của mình. Họ đã luôn quan tâm, hỗ trợ khi tôi đang điều trị tại đây. Đặc biệt là các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã giúp chị vượt qua được thời gian khó khăn này.
Ngày 20/3, Bộ Y tế công bố hai điều dưỡng ở Bệnh viện Bạch Mai dương tính với SARS-CoV-2 (BN86, BN87). Đây cũng là hai trường hợp đầu tiên ghi nhận mắc bệnh ở ổ dịch này. Hiện tại, 46 người có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai đã được xác định mắc Covid-19. Trong đó, 27 người là nhân viên Công ty Trường Sinh. Ngoài 2 nữ điều dưỡng, các y bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai đều có kết quả xét nghiệm âm tính. F0 ở ổ dịch này vẫn chưa được tìm ra.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...