Sáng 5-1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đã có thông tin về việc đưa thi thể bé Thái Lý Hạo Nam (SN 2012) – nạn nhân bị lọt vào trụ bê-tông sâu 35m của cầu Rọc Sen thuộc dự án thi công tuyến đường ĐT – 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Ông Bửu cho biết suốt đêm 4 và sáng 5-1, lực lượng chức năng phối hợp thực hiện phương án đưa thiết bị xuống lồng trụ bê-tông nghi ngờ chứa thi thể bé Nam, khi đưa xuống được khoảng 30 m thì phát hiện khối đất đá có độ nén chắc, thiết bị đưa xuống có phần hạn chế nên kết quả chưa được mong muốn.

Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực đưa trụ bê-tông lên khỏi mặt đất

Mặc dù kết hợp các giải pháp thủ công, thiết bị hỗ trợ và các kỹ thuật bơm hút, tạo điều kiện đưa thiết bị xuống xâu để nâng khối nghi ngờ có em bé trong lồng trụ lên mặt đất chưa hoàn thành được. Sáng nay, các chuyên gia có hội ý tìm phương pháp tiếp cận được đoạn trụ cứu hộ Hạo Nam. Đây là phương án có trở ngại khó khăn nên cần phả được đánh giá chặt chẽ để triển khai thi công sớm, rút ngắn thời gian cứu hộ.

"Do đặc điểm phức tạp của địa chất, của trụ đưa xuống độ sâu, giờ phải đưa lên trở lại thì rất khó khăn. Do đó, các chuyên gia đã bàn thảo kỹ lưỡng để tiếp tục triển khai khẩn cấp cứu hộ bé Nam. Hiện chưa rút trụ bê-tông lên mặt đất được. Còn việc xác định bé Hạo Nam tử vong là do các bằng cớ, hội ý của các đơn vị pháp y đến hiện trường quan sát, đánh giá tiên lượng, dựa vào các tính chất liên quan đến chấn thương, thông khí, điều kiện bảo tồn sự sống nên đã có biên bản pháp y thông báo cho gia đình tiên lượng xấu, sau đó tử vong" – ông Bửu nói.

Ông Bửu cho biết các ngành chức năng đang nỗ lực tìm mọi các để có phương án, giải pháp kỹ thuật, thăm dò, kết hợp tiếp cận để đưa bé Hạo Nam lên, tuy nhiên không thể khẳng định được thời gian cụ thể.

Hiện tại, phương pháp khoan guồng xoắn vẫn đang duy trì kết hợp với các phương pháp dùng ống, đào xới và đang ở giai đoạn thảo luận, đánh giá, thống nhất; đang trưng cầu ý kiến các chuyên gia, vì thi công ở tầng thấp có biện pháp thi công đơn giản, xuống đến khoảng 12 m thì có tầng đất sét bám dính, gây khó khăn.

Ông Đoàn Tấn Bửu thông báo với gia đình về việc bé Nam đã được xác định tử vong

Lý giải về lượng đất đá trong ống trụ bê-tông, ông Bửu cho biết do lúc em bé rơi xuống có đất đá rơi theo. Trong quá trình triển khai thi công, đặt trụ, búa nén để đặt thiết bị làm đất từ các khớp nối tràn vào chứ không phải đất đá rơi từ miệng trụ vào.

Trước đó, vào tối 4-1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cùng với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tổ chức cuộc họp để thông báo việc bé Hạo Nam đã tử vong.

Tại cuộc họp, ông Đoàn Tấn Bửu thông báo cho những người dự và đại diện gia đình. Theo xác định của ngành chức năng, bé Nam tử vong sau khi rơi xuống trụ bê-tông sau hơn 4 ngày, do nhiều nguyên nhân như đa chấn thương, thiếu dưỡng khí, môi trường nhiệt độ thấp...

Ông Thái Văn Tấn Tài (SN 1983; ngụ xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) - cha của bé Hạo Nam - đồng ý cho các ngành chuyên môn tìm cách đưa thi thể cháu lên khỏi trụ bê-tông, tổ chức xử lý thi thể, tổ chức khâm liệm và đưa cháu về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ông Tài cho biết cháu lỡ mất rồi nên không có ý kiến gì. "Tôi đồng ý cho ngành chuyên môn tìm cách đưa thi thể con tôi lên khỏi trụ bê-tông; đồng thời cho gia đình đến nhận diện bé" – ông Tài nói trong xúc động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ nỗi đau, mất mát của gia đình; đồng thời mong ông Tài và người thân trong gia đình cố gắng vượt qua nỗi đau, hết sức bình tỉnh để lo hậu sự cho cháu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình về mọi mặt.

Gia đình ông Thái Văn Tấn Tài thuộc diện khó khăn, vợ ông chỉ ở nhà trông con nhỏ mới 21 tháng tuổi; còn ông đi làm thuê nhưng thu nhập không được bao nhiêu. Hạo Nam là con trai lớn vợ chồng ông Tài.

Nam thích học võ nhưng không dám xin tiền cha mẹ vì sợ cha mẹ lo thêm. Gần đây, sau giờ học, Nam đi nhặt sắt vụn bán để kiếm tiền đóng học phí học võ. Theo lời kể của gia đình, trước khi xảy ra vụ việc đau lòng, Nam cho cha mẹ biết đã kiếm được 21.000 đồng nên tiếp tục đi nhặt sắt để bán, mong kiếm đủ số tiền hơn 60.000 đồng để đóng học phí học võ.