Nguyên nhân bà bầu bị ho

Trong thời kỳ mang thai, sức đề kháng của chúng ta thường suy giảm, chính vì vậy bà bầu dễ bị virus, vi khuẩn tấn công khi thay đổi thời tiết hoặc khi tiếp xúc với nguồn bệnh làm gây nên các bệnh cảm cúm, cảm virus gây viêm họng và xuất hiện cơn ho.

Cơn ho cũng có thể xuất hiện do mẹ có tiền sử bị hen suyển, thời gian mang thai có thể là yếu tố thuận lợi cho các cơn hen suyễn bộc phát với biểu hiện ho khò khè, khó thở ra.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ho cho bà bầu - Ảnh minh họa: Internet

Ho gà là một loại nhiễm trùng được đặc trưng bởi ho dữ dội. Nó được gọi là ho gà vì cuối cơn ho thường kèm tiếng rít. Vì vậy, tốt nhất mẹ nên chủng ngừa Tdap giữa tuần thứ 27 và tuần thứ 36 của thai kỳ, điều này cũng sẽ giúp bảo vệ bé trong hai tháng đầu sau khi sinh. 

Mẹ bầu cũng có thể ho do bị dị ứng với khói bụi, lông của thú vật hoặc mùi lạ.

Nếu các triệu chứng của bệnh ho gây khó khăn trong việc ăn uống và mẹ có biểu hiện sốt trên 38,5 độ C, ho ra đờm (xanh hoặc vàng) kèm đau ngực, thở khò khè thì mẹ cần đến bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những tình huống xấu xảy ra cho mẹ và bé.

Mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Ho là một phản xạ để làm sạch đường thở khỏi các chất gây kích thích và tăng tiết chất nhầy. Vì vậy, ho là biểu hiện bệnh rất bình thường ở bà bầu. 

Nhiều phụ nữ lo lắng liệu ho khi mang thai có gây ảnh hưởng đến thai nhi không, đặc biệt là khi triệu chứng ho kéo dài trong thời gian dài.

Khi bà bầu ho có thể ít nhiều ảnh hưởng đến thai nhi vì vậy cần phải được điều trị sớm - Ảnh minh họa: Internet

Vấn đề này còn tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ho ở mẹ, nếu như mẹ ho do bị cảm lạnh thông thường, ho khan thì sẽ không ảnh hưởng tới thai nhi. Vì lúc này, thai nhi được bảo vệ xung quanh bằng nước ối nên dù mẹ có ho thì môi trường nước ối cũng giúp bé chống rung động, áp lực và tiếng ồn do ho.

Tuy nhiên, nếu mẹ ho do hen suyển hoặc do nhiễm trùng phổi… thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ thai nhi, nguy hiểm hơn có thể gây sinh non, sảy thai hoặc dị tật thai nhi… Trong trường hợp này mẹ cần được điều trị y tế kịp thời.

Các cơn ho cũng gây khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày của phụ nữ mang thai, nhiều mẹ bầu vì các cơn ho nên gặp khó khăn khi ăn và có thể gây suy dinh dưỡng cho thai nhi.

Cách trị ho cho bà bầu nhanh nhất mà không cần dùng thuốc

Những cơn ho dù ở mức độ nặng hay nhẹ thì mẹ bầu cũng cần có phương pháp điều trị sớm để có một thai kỳ khoẻ mạnh. Việc dùng thuốc trong giai đoạn này thường không được khuyến khích do có thể ảnh hưởng đến thai nhi, vì vậy các bà bầu có thể áp dụng các cách trị ho cho bà bầu hiệu quả sau đây.

Cách trị ho cho bà bầu bằng mật ong

Mật ong chứa nhiều vitamin và chất khoáng, chất chống oxy hóa vừa có tác dụng chống viêm vừa kháng khuẩn, giúp tiêu diệt vi khuẩn và hạn chế bệnh tiến triển xấu. Bên cạnh đó, mật ong còn có tác dụng làm lành tổn thương ở vòm họng, giúp xoa dịu cơn ngứa và giảm ho.

Trị ho cho bà bầu bằng mật ong kết hợp với chanh giúp tăng sức đề kháng, chống lại các bệnh cảm cúm, cảm lạnh.

Mật ong là nguyên liệu thiên nhiên có tác dụng trị ho, cảm cúm - Ảnh minh họa: Internet

Cách pha trà chanh mật ong: Sử dụng 100ml nước ấm pha với một muỗng cà phê mật ong và một vài lát chanh, khuấy đều cho mật ong tan. Mỗi khi bị ho hay đau rát cổ họng, mẹ bầu chỉ cần uống một ly trà chanh mật ong thì các triệu chứng rát ngứa sẽ giảm dần.

Lưu ý mẹ bầu không nên uống trà chanh mật ong lúc đói bụng.

Ngoài ra, mẹ có thể dùng 2 muỗng cốt chanh hoà cùng với 1 muỗng cà phê mật ong và uống mỗi khi cảm thấy cổ họng ngứa và muốn ho.

Trị ho bằng củ gừng

Vị cay và tính nóng của gừng có tác dụng giải cảm, làm ấm cơ thể và xoa dịu tình trạng ngứa ngáy ở vòm họng, giúp hỗ trợ điều trị ho. Vì vậy, đây cũng được xem là vị thuốc tự nhiên giúp trị ho cho bà bầu khá an toàn và hiệu quả.

Cách pha trà gừng mật ong: sử dụng 1 củ gừng tươi, gọt vỏ và giã nát lấy nước cốt. Sau đó hoà tan 1 muỗng nước cốt gừng, 1 muỗng cà phê mật ong và 3 muỗng nước chanh cùng 100 ml nước ấm.

Cách trị ho cho bà bầu bằng trà gừng rất thông dụng - Ảnh minh họa: Internet

Mẹ bầu uống trà gừng không chỉ giúp giảm triệu chứng viêm họng mà còn giảm nguy cơ ốm nghén ở ba tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, do trong gừng có hợp chất gingerol gây mỏng mạch máu và làm tăng hiện tượng máu đóng cục nên mẹ bầu không nên sử dụng trà gừng quá 4 ngày liên tiếp.

Chanh đào mật ong

Cách trị ho cho bà bầu bằng chanh đào là bài thuốc được nhiều chị em tin tưởng áp dụng. Mẹ bầu có thể tự làm nước chanh đào mật ong để uống mỗi khi bị cảm cúm hoặc uống hằng ngày để tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật.

Hướng dẫn ngâm chanh đào mật ong: Chanh rửa sạch ngâm với nước muối trong vòng 30 phút rồi vớt ra thật khô. Chanh khô thì cắt thành những miếng mỏng cho vào lọ thuỷ tinh cùng với đường phèn. Để hiệu quả, cứ 1 lớp chanh bạn cho 1 lớp đường  rồi 1 lớp chanh. Cuối cùng, đổ mật ong vào, đậy kín nắp ngâm trong vòng 3 tháng là có thể sử dụng.

Chanh đào ngâm đường phèn, mật ong uống hằng ngày giúp tăng sức đề kháng, chống cảm cúm - Ảnh minh họa: Internet

Lá tía tô

Bài thuốc chữa ho bằng lá tía tô từ lâu đã không còn xa lạ với mẹ bầu. Nhờ tác dụng kháng viêm và chống khuẩn, loại rau thơm tự nhiên này giúp tiêu diệt vi khuẩn gây hại ở vùng họng, làm dịu cổ họng và giảm ho khá tốt.

Mẹ bầu có thể trị ho bằng cách nấu cháo lá tía tô để ăn hoặc uống nước lá tía tô tươi giúp hỗ trợ điều trị ho nhanh chóng.

Cam nướng

Có lẽ cách trị ho cho bà bầu này ít ai biết đến tuy nhiên đây là phương pháp trị ho đơn giản, an toàn và hiệu quả.

Mẹ bầu chỉ cần dùng một chiếc đũa khoét một lỗ trên trái cam sau đó cho ít hạt muối hạt vào trong trái cam, nướng ở lò nướng khoảng 15 phút. Khi cam chín, có thể ăn ngay hoặc cắt thành từng miếng nhỏ pha với trà và sử dụng hằng ngày. Chỉ cần áp dụng từ 2 – 3 ngày mẹ bầu sẽ thấy các cơn ho giảm dần, cảm giác rát họng cũng không còn.

Cam nướng trị ho cho bà bầu và cả em bé nhỏ - Ảnh minh họa: Internet

Bà bầu bị ho cần chú ý gì?

Bên cạnh việc chữa trị ho bằng phương pháp dân gian, bà bầu cũng cần chú ý nâng cao sức đề kháng của mình để các cơn ho không có cơ hội quay lại.

Chế độ nghỉ ngơi: Mẹ nên ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, áp dụng các biện pháp thư giãn cơ thể như massage, nghe nhạc để cơ thể sớm phục hồi.

Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai là cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Vì thế, nếu vì ho mà mẹ khó ăn thì có thể chia ăn nhiều bữa trong ngày, ăn từng chút ít, ăn những loại thức ăn lỏng, mềm, dễ nhai nuốt.

Uống nhiều nước: Mẹ bầu nên uống nhiều nước lọc, nước trái cây giàu vitamin C để giúp bổ sung chất lỏng và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Dù bị ho vì nguyên nhân gì đi nữa, mẹ bầu cũng cần có phương pháp điều trị sớm để không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân. Với những nguyên liệu từ thiên nhiên, an toàn trong thời kỳ mang thai, mong rằng những cách trị ho cho bà bầu trên đây có thể giúp ích cho các bạn.