Thí sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2022. Ảnh: Quang Vinh

Sở GDĐT Hà Nội đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội năm học 2022-2023. Kết quả trên thực tế không có nhiều bất ngờ so với mọi năm khi những trường ở tốp đầu các năm trước vẫn giữ mức điểm chuẩn cao nhất trong danh sách như trường THPT Chu Văn An tiếp tục dẫn đầu về điểm chuẩn vào lớp 10 với 43,25 điểm. Tiếp đến là Trường THPT Yên Hòa 42,25 điểm, THPT Phan Đình Phùng 42 điểm. Trường THPT Việt Đức, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông),...

Theo quy định của Sở GDĐT Hà Nội, điểm chuẩn được tính bằng tổng số điểm của 3 môn thi Ngoại ngữ, Toán, Ngữ văn và điểm ưu tiên, trong đó điểm môn Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2. Như vậy, thí sinh muốn đỗ vào Trường THPT Chu Văn An, nếu không tính điểm ưu tiên phải đạt trung bình từ 8,65 điểm mỗi môn. Tương tự, muốn vào Trường THPT Yên Hòa hay THPT Phan Đình Phùng, thí sinh phải có mức điểm trung bình mỗi môn đạt lần lượt từ 8,45 và 8,4.

Chỉ 0,25 điểm đã quyết định việc đỗ/trượt của một thí sinh giỏi khi đạt mức điểm 8,5 với đề thi vào lớp 10 năm nay cho thấy sự khốc liệt của kỳ thi vào lớp 10 ở Thủ đô luôn được ví là căng thẳng hơn thi đại học.

Trong khi đó, một số trường khác lại có mức điểm chuẩn chỉ hơn 3 điểm/môn (chưa tính điểm ưu tiên) đã giành được một suất vào trường THPT công lập, như Trường THPT Bắc Lương Sơn 15 điểm, THPT Mỹ Đức C 15,75 điểm, THPT Đại Cường 16,5 điểm. Hai Trường THPT Bất Bạt và THPT Minh Quang năm nay cùng có mức điểm chuẩn là 17 và THPT Ba Vì là 17,5 điểm. Đây cũng là những trường có điểm chuẩn thấp của các năm trước do chỉ tiêu tuyển sinh chỉ bằng hoặc thậm chí cao hơn so với số học sinh đăng ký nên nhìn chung, thí sinh chỉ cần không bị điểm liệt là có khả năng đỗ vào trường cấp 3 đã đăng ký…

Theo quy định của Sở GDĐT Hà Nội, học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1 điểm. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 được xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2 điểm.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm - người sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), sự chênh lệch điểm chuẩn vào lớp 10 giữa các trường THPT của Hà Nội không phải năm nay mới xảy ra mà đây là thực tế nhiều năm qua khi học sinh từ nội thành đến ngoại thành cùng thi chung một ngày, một đề trong khi điều kiện học tập, đội ngũ giáo viên và năng lực của thí sinh có sự chênh lệch rõ nét. Mặc dù điểm điểm chuẩn vào trường chưa phản ánh hết năng lực của tất cả các thí sinh bởi ở tốp đầu của mỗi trường, ngay cả những trường mức điểm chỉ hơn 3 thì vẫn có những thí sinh đạt trung bình 8 điểm/môn thi. Tuy nhiên, số lượng thí sinh như vậy không nhiều so với những trường có mức điểm chuẩn cao thì “dàn” thí sinh trúng tuyển sẽ đều ở mức điểm cao và rất cao.

Ông Lâm cho biết tốp 15 trường có điểm chuẩn cao nhất cũng như những năm trước vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực 3 (quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy). Trong khi đó, các khu vực tuyển sinh 4, 6, 8, 9, 11, 12 không có trường nào lọt tốp này. Những trường có điểm chuẩn thấp đều nằm ở khu vực ngoại thành, nơi có mật độ dân cư thưa thớt hơn, trường học lại rộng rãi, chỉ tiêu tuyển sinh dư dả so với số học sinh đăng ký nên áp lực điểm chuẩn thấp hơn so với khu vực đông dân cư là đương nhiên.

“Từ bức tranh điểm chuẩn này, cần có chiến lược để đầu tư cho giáo dục vùng khó khăn của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Việc chuyển đổi số trong giáo dục sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, cần được đẩy mạnh” - ông Lâm nói và cho rằng, để có góc nhìn chuẩn mực nhất thì cần có sự so sánh giữa điểm thi thực tế của thí sinh với học bạ THCS. Cụ thể, nếu như có sự chênh lệch lớn thì cần phải xem lại cách đánh giá học sinh đã sát hay chưa.