Nhiều trẻ biến chứng do sởi

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM và Bênh viện Nhi đồng 1 TP.HCM số trẻ mắc bệnh nhân mắc sởi ngày càng gia tăng trong đó chủ yếu là người lớn và có thêm trẻ nhỏ.

Tại miền Bắc, các bệnh viện cũng ghi nhận nhiều ca mắc sởi. Bé Nguyễn Vân A. (7 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt, ho nhiều kèm theo nhiều gỉ mắt. Bé được chẩn đoán viêm phổi do biến chứng của sởi.

Mẹ bé Vân A. cho biết bé bị sốt mấy ngày, sốt cao liên tục từ 38 -39,5 độ C. Sau đó bé bắt đầu xuất hiện các ban đỏ li ti ở vùng tai, mặt xuống toàn thân.

Bé đi khám bác sĩ cho biết bị sởi và cho thuốc về nhà điều trị. Đến nay tình trạng ho không dứt kèm theo tức ngực nên bố mẹ đưa bé đi vào viện.

Hay như trường hợp bé Vũ Bảo Th. (1,5 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội) bị sốt liên tục kèm theo phát ban. Mẹ bé đưa bé đi khám bác sĩ chẩn đoán bé bị sởi. Lo sợ dịch sởi cách đây 4 năm, mẹ của bé đã cho con vào viện nội trú để được theo dõi kịp thời tránh biến chứng. Bé Th. chưa được tiêm phòng.

Ths. BS Nguyễn Văn Tùng, Bác sĩ Khoa Nhi – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc họ Paramyxoviridae gây ra.

Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, mù mắt do loét giác mạc, suy dinh dưỡng nặng…

Bác sĩ Tùng cho biết bệnh sởi thường hay xảy ra vào mùa đông xuân. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện… Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… Chính vì vậy bệnh dễ mắc thành dịch.

Mắc bệnh sởi cũng có thể gây ra các biến chứng đặc biệt là ở trẻ nhỏ - Ảnh minh họa: Internet

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây nên tử vong.

Dịch sởi có thời gian ủ bệnh từ 7- 21 ngày từ khi nhiễm vi rút. Khi mắc bệnh sởi, bé thường có triệu chứng sốt  cao trên 39°C kèm theo các dấu hiệu của viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng. Mắt trẻ có gỉ mắt nhiều, kèm theo đỏ mắt.

Khác với sốt phát ban, bác sĩ Tùng chia sẻ các mẹ có thể theo dõi kỹ nếu trẻ bị sởi thì các ban đỏ sẽ xuất hiện theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ; ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay; ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban xuất hiện tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay.

Chăm sóc sởi như thế nào?

Theo bác sĩ Tùng, bệnh sởi là bệnh có thể điều trị ở nhà theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Nhà có trẻ bị sởi cần phải cách ly với trẻ lành bệnh. Bố mẹ cho trẻ uống hạ sốt khi bé sốt trên 38,5 độ C. Người chăm sóc nên đeo khẩu trang và rửa tay với nước sạch.

Trẻ bị sởi cũng cần vệ sinh thân thể hàng ngày, tránh tắm nước lạnh. Nhỏ nươc muối sinh lý vào mắt. Nếu trẻ còn bú mẹ cần cho trẻ bú mẹ thường xuyên và kết hợp ăn uống bổ sung đủ chất. Nên cho bé ăn các thức ăn nấu mềm.

Sởi là bệnh lành tính, đa số các trường hợp không có biến chứng và bệnh sẽ tự khỏi - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Tùng nhấn mạnh tuyệt đối không quá kiêng khem như quan niệm cũ kiêng tắm, kiêng gió, kiêng trong chế độ ăn. Bác sĩ Tùng cho biết dù trẻ bệnh hay người lớn vẫn phải đảm bảo ăn đủ chất, vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.

Trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục không hạ sốt, khó thở, thở nhanh, mệt mỏi, li bì, phát ban toàn thân mà vẫn sốt thì bố mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế nhanh để được điều trị vì có thể có biến chứng viêm phổi.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với sởi, chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biến chứng do sởi.

Để phòng bệnh sởi, theo bác sĩ Tùng cách tốt nhất đó là tiêm phòng vắc xin sởi. Với những trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên cần được tiêm chủng đầy đủ mũi 1 từ 9 tháng, mũi 2 từ 18 tháng.

Những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng cần tiêm chủng phòng bệnh sởi khi mang thai và củng cố thêm khả năng miễn dịch cho con khi sinh ra.