Dễ chết đuối khi rơi vào dòng Rip

TS Nguyễn Bá Xuân, nguyên cán bộ Viện Hải dương học Nha Trang là người có nhiều năm nghiên cứu về dòng Rip trên các vùng biển gần bờ. Dòng Rip không phải là một hiện tượng thiên nhiên bí ẩn, mà thực chất đó là một bộ phận đặc biệt của hệ dòng chảy tổng cộng xảy ra ở khu cực gần bờ trong vùng sóng đổ.

Đó là một luồng nước mạnh chảy theo hướng vuông từ bờ ra biển, tuy với kích thước rất nhỏ, nhưng tốc độ có thể đạt cực đại tới 2 m/s. Với vận tốc này, trong khoảng thời gian 1 phút, dòng Rip có thể cuốn trôi người tắm biển ra xa khoảng 120m. Khi đó, hầu như không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ.

Khi tắm biển, cần tránh xa các vùng nước lặng bất thường, vùng nước biển có màu sắc khác lạ...

Do có kích thước của dạng hoàn lưu tế bào, nên dòng Rip rất nhạy cảm với sự biến đổi của thời tiết. Bởi thời tiết thay đổi thì trường gió biến đổi, hướng gió thay đổi thì sóng vào bờ thay đổi,  xói lở bờ biển thay đổi, từ đó hình thành các dòng Rip. So với sóng biển thì dòng Rip chỉ nhỏ như các tế bào, nên rất khó nhận diện.

 Dòng Rip có bề rộng dọc bờ từ 3-30m và chiều dài ra biển từ 100-150m. Với sự tồn tại của dòng Rip chảy xoáy ở các bãi tắm, người tắm biển nếu chủ quan, không hiểu biết và không nắm được cách phòng tránh thì rất nguy hiểm và dễ bị chết đuối khi bị rơi vào dòng Rip.

Nhận diện dòng chảy nguy hiểm

Theo TS Nguyễn Bá Xuân, dòng Rip xảy ra tại các bãi biển do có các yếu tố cấu thành tạo khác nhau, nên vị trí, thời gian và chu kỳ xuất hiện rất khác nhau. Tại một số bãi biển, dòng Rip có thể tồn tại quanh năm, tồn tại theo mùa, theo tháng, ngày, giờ và phút.  Tuy nhiên đại bộ phận các dòng Rip đều có thời gian sống rất ngắn, trung bình vào khoảng vài phút. Và dòng Rip có thể xuất hiện ở bất cứ vùng biển nào, đặc biệt là những vùng biển có cấu trúc địa hình đáy ít ổn định.

Dòng Rip thường tồn tại chủ yếu ở những vùng biển có sự tồn tại của các đỉnh nhọn địa hình cố định nhô ra biển, như trên đầu và bên cạnh các bờ kè, đê chắn sóng, cầu cảng và các công trình nhân tạo khác xây sát bờ biển. Dòng Rip xảy ra tại các bãi biển không phải khi nào chúng ta cũng có thể phân biệt được, vì nó là một hiện tượng thủy thạch động lực học biến đổi rất phức tạp, nên rất khó có thể dự báo trong mọi thời điểm và tại mọi nơi của các bãi tắm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp chúng ta có thể dễ dàng nhận biết sự tồn tại của các dòng Rip tại các bãi biển.Bằng mắt thường hoặc ảnh kỹ thuật số, máy quay camera, chúng ta có thể nhận thấy dòng Rip xuất hiện trên nền chung tương đối đồng nhất của nước biển tại các bãi tắm, nơi các dòng Rip xuất hiện thường để lại những dấu vết khác biệt có thể dễ nhận biết.

Ở bãi biển, khi thấy xuất hiện của một vùng xáo trộn lăn tăn hay một vùng bọt nước trắng xóa trên mặt biển gần sát bờ; hoặc một dấu hiệu rõ nét về màu sắc của nước biển so với xung quanh khi nhìn từ trên cao xuống; hoặc một dải hẹp tập trung những rác rưởi và vật trôi nổi trên mặt nước… thì khả năng cao đó là dòng Rip

TS Nguyễn Bá Xuân

Du khách tắm biển hoặc những người làm những công việc ven biển cần quan sát và nhận biết những dấu hiệu như vậy để đề phòng dòng Rip, đặc biệt đối với những người không biết bơi, bơi yếu hoặc trẻ em chơi đùa trên bãi biển thiếu sự theo dõi của những người lớn.

Người tắm biển cũng có thể tự bản thân mình nhận biết dòng Rip tác động ở khu vực mình đang tắm, thông qua dấu hiệu sụt lún dần dần của cát dưới chân chỗ mình đang đứng. Tức là khi bạn đang đứng ở khu vực mình đang tắm, nếu bạn nhận thấy cát nằm dưới chân mình từ sụt lún xuống rất nhanh, điều này có nghĩa là bạn đang bị tác động của hiện tượng dòng Rip. Nguyên nhân là do khi dòng Rip hoạt động mạnh, dòng sẽ cuốn nước cùng với cát biển ở khu vực gần bờ chảy ngược ra khơi. Trong trường hợp này thì bạn nên rời khỏi ngay vị trí bạn đang đứng càng nhanh càng tốt.

TS Nguyễn Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, khi tắm biển, việc bị sứa đốt hay cá cắn không còn quá hi hữu. Sứa có thể đốt bạn khi đang bởi hoặc đang đi dạo trên bãi biển. Nọc sứa gây bỏng, đau, ngứa rát. Trường hợp bị sứa đốt, hãy đổ dấm lên vết thương để sát trùng, loại bỏ nọc sứa. Tránh tình trạng gãi nhiều gây viêm, loét vết cắn.

Với những vùng biển có thể xuất hiện cá mập thì phải có những kiến thức kỹ năng cần thiết khi tắm biển, không vệ sinh khi đang bơi trên biển. Tránh tắm ở vùng nước đục, không mặc trang phục hoặc đeo trang sức lấp lánh, không bơi gần đàn cá nhỏ, không bơi gần khu neo đậu tàu thuyền... Ở những vùng biển còn hoang sơ, ít khách du lịch, đặc biệt là các vịnh lớn thường xuất hiện các đàn cá. Đa phần đó là những đàn cá nhỏ đi kiếm ăn, không gây nguy hiểm cho du khách. Nhưng nếu gặp những đàn cá chỉ di chuyển trên mặt nước, thân trên màu xanh rêu, bụng có vạch trắng thì phải tránh xa.

Tránh xa vùng biển có màu nước lạ

GS.TSKH Dương Đức Tiến, Trung tâm Ứng dụng KH&CN vào sản xuất cho biết, khi thấy nước biển có màu xanh thẫm hoặc màu hồng, đỏ thì nhất thiết không xuống tắm vì đó là tảo độc đang nở hoa. Ngoài ra nếu nghi ngờ thì ngửi mùi nước. Nếu có mùi tanh nồng thì cũng không được tắm biển. Chỉ tắm ở những bãi biển được chính quyền địa phương khuyến cáo, cho phép tắm. Đối với những người đi du lịch khám phá, khi đến những vùng biển vắng, hoang sơ, phải có kiến thức, kinh nghiệm để phân biệt màu sắc và mùi vị của nước biển.

 

"Bình thường, tảo sống trong môi trường nước khá "hiền hòa", nhưng khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi thì chúng bùng phát mạnh mẽ, dữ dội. Do đó, ngay cả ở những vùng biển được quy hoạch bãi tắm, cũng có thể xảy ra hiện tượng tảo độc nở hoa. Do đó, khi đi tắm biển, phát quan sát kỹ. Trường hợp tắm phải vùng nước có tảo độc thì da sẽ mẩn ngứa, thậm chí hít thở phải tảo độc cũng gây suy hô hấp. Tảo nở hoa và tan đi trong một vài ngày chứ không tồn tại mãi. Nên nếu vùng biển đã từng có tảo độc, nhưng hết rồi, thì hoàn toàn có thể tắm", GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết.

Ngoài ra, có những vùng biển bị ô nhiễm do xả thải không phép của các nhà máy, hoặc do người dân không giữ gìn vệ sinh môi trường. Khi đi biển, nếu quan sát thấy có nhiều động vật hai mảnh như sò, ngao, ngán… bị chết thì phải tránh xa vùng biển này. Đặc biệt đừng tham rẻ mà mua những loại hải sản này, ăn vào rất dễ bị ngộ độc.

 "Quan sát màu nước, nếu thấy có màu đen, trên cát có các vết gợn đen thì nghĩa là vùng biển bị ô nhiễm dầu, có nguồn xả thải. Không nên ham các vùng biển quá vắng vẻ để đề phòng khả năng nước biển không an toàn để tắm", GS.TSKH Dương Đức Tiến nói.