Sau thông tin nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời vì đột quỵ vào ngày 9/12 vừa qua khiến nhiề khán giả thương tiếc khôn nguôi. Trong đám tang của cố nghệ sĩ, khán giả vô cùng xúc động khi trông thấy hình ảnh nghệ sĩ Hoài Linh tiều tụy, mệt mỏi.

Nghệ sĩ Hoài Linh trong tang lễ cố nghệ sĩ Chí Tài - người bạn tri kỷ của mình. Ảnh minh họa: Internet

Theo tiết lộ của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, sức khỏe của Hoài Linh hiện không cho phép xuất hiện ở những nơi đông người hay làm việc quá sức nhưng nam danh hài vẫn cố gắng lo liệu chu toàn trong ngày đưa tiền người bạn tri kỷ lần cuối.

Trước đây anh Bốn cũng nhiều lần khiến người hâm mộ lo lắng khi gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Nam nghệ sĩ từng tiết lộ mình mắc bệnh đau bao tử, mất ngủ kinh niên niên thỉnh thoảng phải truyền nước biển cho lại sức. Hồi năm 2019, nam danh hài có tiết lộ đang tập trung chữa chứng rối loạn tiền đình nên ít khi xuất hiện.

Còn nhớ trong một tập "Gương mặt thân quen nhí", khi Đại Nghĩa mời Hoài Linh thử xoay người nhiều vòng thì nam danh hài cũng cho biết: “Thật tình là tôi bị rối loạn tiền đình nên không có xoay người nhiều mặt được, chóng mặt là tôi xỉu liền”.

Nghệ sĩ Hoài Linh cũng tiết lộ mình đang tập trung chữa chứng rối loạn tiền đình nên ít khi xuất hiện. Ảnh minh họa: Internet

Rối loạn tiền đình là một căn bệnh không hề xa lạ, nhưng nhiều người lại chưa hiểu đủ và đúng về căn bệnh này. Tuy nó không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Đây là căn bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, vô cùng phổ biến ở Việt Nam.

Rối loạn tiền đình là gì?

Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai hai bên. Tiền đình có vai trò cân bằng cơ thể, duy trì trạng thái thăng bằng ở các tư thế, trong hoạt động, phối hợp các bộ phận cử động như mắt, tay, chân, thân mình...

Rối loạn tiền đình là tình trạng quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương hay các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não. Điều này khiến cho tiền đình mất khả năng giữ thăng bằng, cơ thể loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, quay cuồng, ù tai, buồn nôn... Những triệu chứng này lặp đi lặp lại nhiều lần, xuất hiện đột ngột khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và khả năng lao động của người bệnh.

Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?

Rối loạn tiền đình có thể chỉ xuất hiện vài ngày rồi hết nhưng cũng có thể kéo dài, tái phát nhiều lần. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, công việc của bệnh nhân mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong cơn bệnh, nếu người bệnh cố gắng đi lại thì có thể bị ngã, gây chấn thương trầy xước da hay thậm chí là gãy tay, chân, chấn thương sọ não (do đập đầu vào vật cứng/nền đất cứng),... Biến chứng nguy hiểm nhất của rối loạn tiền đình là gây đột quỵ do máu lên não kém. Vì vậy, khi phát hiện bệnh, người bệnh nên thực hiện điều trị rối loạn tiền đình tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ.

Rối loạn tiền đình có thể chỉ xuất hiện vài ngày rồi hết nhưng cũng có thể kéo dài, tái phát nhiều lần.  Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình

Để điều trị rối loạn tiền đình một cách triệt để, trước tiên bệnh nhân cần phải xác định rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này. Theo đó, những nguyên nhân phổ biến dẫn tới rối loạn tiền đình là:

- Do huyết áp thấp, tai biến, thiếu máu, các bệnh về tim mạch,... gây tắc nghẽn mạch máu, lượng máu lên não kém.

- Do căng thẳng, mất ngủ, áp lực công việc làm tổn thương hệ thống thần kinh. Khi dây thần kinh số 8 bị tổn hại thì hệ thống tiền đình sẽ nhận được thông tin không chính xác và sẽ hoạt động sai, rối loạn.

- Do hậu quả của các bệnh như u não, u dây thần kinh, viêm dây thần kinh, viêm tai giữa,...

- Bệnh hay gặp ở người cao tuổi bị suy giảm chức năng một số cơ quan.

- Người quá béo hoặc quá gầy đều có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình.

- Bị mất máu nhiều, quan hệ tình dục không đều đặn, uống quá nhiều rượu bia, cơ thể nhiễm độc hoặc sử dụng một số loại thuốc,... cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.

- Thường xuyên sống trong môi trường có quá nhiều tiếng ồn, thời tiết chuyển mùa (nóng - lạnh đột ngột), ít vận động,...

Rối loạn tiền đình có chữa khỏi không?

Rối loạn tiền đình có thể chữa khỏi, tránh tái phát, biến chứng nếu người bệnh thực hiện điều trị đúng, tích cực. Bệnh nhân không nên tự mua thuốc để điều trị vì có nhiều loại thuốc có thể gây tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, người bệnh cần nhờ tới sự tư vấn của bác sĩ khi trị rối loạn tiền đình.

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh nên thực hiện tập luyện thường xuyên, nhẹ nhàng đối với đốt sống cổ để giúp khí huyết lưu thông, giảm tình trạng thiếu máu lên não. Trong trường hợp người cao tuổi bị chóng mặt, kèm theo nhức đầu đột ngột, mờ mắt, sốt cao, mất thị lực, giảm thính giác,... thì nên đi bệnh viện khám vì đó có thể là ảnh hưởng tiêu cực của rối loạn tiền đình. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên tích cực điều trị các bệnh mãn tính gây rối loạn tiền đình như huyết áp thấp, tăng huyết áp, tăng mỡ máu,... theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.