Dạy con theo phương pháp montessori từ những năm đầu đời: Tiếp thu mặt tốt, loại bỏ mặt hạn chế
Nội dung bài viết
Phương pháp montessori là gì?
Nguồn gốc của phương pháp montessori là do Tiến sĩ người Ý - Maria Montessori (1870 – 1952), chuyên gia trong lĩnh vực triết học, nhân văn học và giáo dục học sáng lập.
Montessori là một phương pháp giáo dục trẻ học tập thông qua các giáo cụ trực quan. Bản chất của phương pháp giáo dục Montessori là tôn trọng, cho trẻ có quyền tự do được làm việc như người lớn thông qua hoạt động vui chơi.
Phương pháp giáo dục này mới du nhập vào Việt Nam trong những năm trở lại đây nhưng ngày càng phát triển mạnh và khẳng định được hiệu quả đáng mong đợi.
Phương pháp này hiện được nhiều phụ huynh quan tâm khi lựa chọn phương pháp giáo dục và chọn trường cho con. Montessori được đánh giá đem lại hiệu quả cao dành cho các bé trước độ tuổi tiểu học - dưới 6 tuổi.
Giới thiệu về phương pháp montessori
Đặc điểm nổi trội ở phương pháp Montessori đó là tôn trọng cá tính riêng biệt, tính tự lập, tự do nhưng vẫn mang tính kỷ luật của mỗi trẻ. Ngoài ra, phương pháp này còn tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên cũng như trang bị đầy đủ cho trẻ các kiến thức thực tiễn.
Do đó, giáo dục trẻ bằng Montessori sẽ xây dựng nền tảng cơ bản cho mỗi đứa trẻ ngay từ những năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn từ 2 đến 6 tuổi. Qua đó, trẻ sẽ phát triển đồng đều về não bộ, khả năng thu nhận kiến thức cũng như hình thành kỹ năng xã hội, kỹ năng học tập, rèn luyện tính độc lập từ sớm. Đây là những lợi ích của phương pháp montessori đã ghi nhận được trên thực tế.
Nguyên tắc của phương pháp montessori
1. Đơn giản
Càng truyền đạt ngắn gọn, dễ hiểu thì bé càng nhanh hiểu được vấn đề. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu, bố mẹ nên tránh cách diễn đạt phức tạp, vòng vo. Ví dụ khi muốn con học về quả bóng, hãy nói “bóng”, không nên dùng những câu dài như “quả bóng màu xanh”.
2. Bình tĩnh và kiên nhẫn
Tâm lý chung của các ông bố bà mẹ luôn muốn con nghe lời và làm theo lệnh. Tuy nhiên, phương pháp Montessori lại đề cao sự kiên nhẫn của bố mẹ. Khi mẹ mở lời: “Mẹ muốn nhờ bé làm hộ mẹ việc A, B, C” thì hãy kiên nhẫn chờ đợi bé thực hiện yêu cầu của mình.
Sai lầm của rất nhiều ông bố, bà mẹ đó là để mất đi sự bình tĩnh và khả năng kiên nhẫn của mình, khi thấy bé không đáp ứng thì lại tự mình làm.
3. Không có phần thưởng hay trừng phạt
Theo cách thông thường, bố mẹ thường treo giải thưởng để khuyến khích bé đạt tới thành tích nào đó. Ví dụ như thưởng bé đi chơi công viên hay cho bé ăn nhà hàng yêu thích khi bé đạt điểm 10 chẳng hạn. Ngược lại, khi bé không nghe lời, điểm xấu hay phạm một lỗi nào đó sẽ bị đánh đòn, la mắng, so sánh với các bạn.
Đối với cách dạy con theo phương pháp montessori, không tồn tại phần thưởng cũng như hình phạt. Dạy con bằng phương pháp bố mẹ cần chú trọng đến việc dạy con tự chịu trách nhiệm về tất cả mọi hành vi của mình. Ví dụ, nếu bé làm dơ tường hoặc nền nhà thì bé sẽ phải tự lau dọn.
4. Duy trì sự tập trung
Bố mẹ có thể thấy bé mải mê chơi một món đồ chơi hay một trò chơi nào đó. Lúc này, bố mẹ không nên xen vào trò chơi của bé, trừ khi có một lý do đặc biệt. Bé cần sự tập trung để tìm ra nhiều cách chơi cho riêng mình, cũng như tự mày mò giải quyết các vấn đề gặp phải trong lúc chơi.
Nếu bố mẹ xen vào sẽ làm mất đi sự tập trung của bé. Xấu hơn, việc chỉ mặt đặt tên lâu ngày sẽ chỉ khiến bé có lối tư duy rập khuôn, cứng nhắc. Phương pháp Montessori rất coi trọng sự tự lập của bé trong bất kỳ hoạt động nào. Sẽ có những lúc, con bạn say mê nói với bạn những điều mà chúng đã khám phá ra trong ngày hôm nay hoặc những điều chúng muốn làm trong ngày mai.
5. Trực quan
Nếu bố mẹ chỉ nói mà không cho trẻ xem hay thực hành thì trẻ sẽ quên ngay lập tức. Vì vậy, việc dạy cho con cần yếu tố trực quan, bố mẹ nên tạo điều kiện cho bé không gian và thời gian để thực hành, mày mò, khám phá.
Tương tự, khi bố mẹ muốn dạy cho bé một đức tính nào đó như kiên nhẫn, chăm chỉ… thì tiên quyết bố mẹ cần phải làm gương cho con.
Mục đích của phương pháp montessori
Phương pháp Montessori là nuôi dưỡng động lực bên trong mỗi đứa trẻ, tạo điều kiện tối đa để trẻ được khám những điều yêu thích của bản thân, từ đó hình thành khả năng sẵn sàng tiếp thu, cả những lĩnh vực mà ngay cả người lớn cũng cho rằng không mấy hấp dẫn trẻ khi ở trong môi trường giáo dục truyền thống.
Ưu điểm của phương pháp montessori là cho ra một em bé hạnh phúc. Hai từ “hạnh phúc” là quá đủ kể cả đối với người lớn hay trẻ nhỏ. Montessori giúp trẻ hoàn thiện bản thân, tạo cho cảm giác mong muốn học hỏi, biết tôn trọng mình, tôn trọng người khác, tôn trọng đồ vật, yêu thiên nhiên, yêu hòa bình.
Nhược điểm của phương pháp montessori
Các chương trình giáo dục theo đúng chuẩn Montessori quốc tế thường rất đắt đỏ. Việc chuẩn bị rất nhiều tài liệu, giáo cụ, đồ chơi có chất lượng cao cũng như tuyển chọn đội ngũ giáo viên, xây dựng chương trình học đã ngốn một số tiền khủng mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con theo học.
Các chương trình Montessori “thích nghi” với mỗi đối tượng trẻ khác nhau, thậm chí là với cả phụ huynh khác nhau và giáo viên khác nhau. Cho đến các vùng địa lý khác biệt cũng tạo nên những sự khác biệt cơ bản cho chương trình ở đó.
Với trẻ, khả năng giao tiếp cũng là một kỹ năng quan trọng và cần thiết cho tương lai. Những bài tập Montessori thường không đề cao sự tương tác giữa nhóm trẻ với nhau. Điều này là hạn chế của Montessori. Để khắc phục, ngoài những giờ dạy con theo phương pháp montessori, trẻ cần được vui chơi, vận động và làm việc nhóm với các bạn.
Phương pháp Montessori rèn luyện khả năng làm việc độc lập. Nhưng thực tế không phải lúc nào độc lập cũng tốt. Độc lập quá khiến trẻ khó hoạt động theo nhóm và làm việc một cách cứng nhắc.
Theo quan điểm Montessori “Trí tưởng tượng sẽ làm trẻ xa vời thực tế”. Trong giáo trình luôn đề cao giáo cụ, vì vậy trẻ trẻ chơi qua giáo cụ nên ít được phát huy trí tưởng tượng.
Trẻ con có xu hướng thích những cấu trúc, hành vi quen thuộc. Hệ thống giáo dục phân cấp tại Việt Nam cho trẻ ít tự do nhưng nó đảm bảo môi trường học tập trật tự, quy củ. Khi bé đã quen với môi trường tự do, bé thường gặp khó khăn khi chuyển cấp vào những môi trường học truyền thống.
Không chỉ riêng cách dạy con theo phương pháp montessori, bất cứ một phương pháp nào cũng có ưu nhược điểm, chúng ta cần tìm hiểu kỹ những điểm xấu và điểm tốt của từng phương pháp để có giải pháp lựa chọn phù hợp nhất cho bé. Giúp bé phát triển cả hai bán cầu não, phát triển nhân cách và thể chất toàn diện.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...