Đậu mùa khỉ không có khả năng trở thành đại dịch như Covid-19
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay, khoảng 22.500 trường hợp mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở 79 quốc gia. Trong số này, đã có những trường hợp tử vong ở cả trong và ngoài châu Phi.
Ngày 23/7, WHO đã công bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Số liệu mới nhất cũng cho thấy số ca mắc trong tuần qua đã tăng 48% so với tuần trước đó. Dự báo, số ca mắc tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ trong nước. Tuy nhiên, trong phát biểu mới đây, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận nguy cơ đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là hiện hữu.
Dẫu vậy, các chuyên gia vẫn đánh giá nguy cơ để đậu mùa khỉ trở thành một đại dịch với quy mô và mức độ như Covid-19 là không nhiều.
Nhiều điểm khác biệt
Trao đổi với báo chí mới đây, bác sĩ Eric Dziuban, Giám đốc quốc gia, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (US CDC) tại Việt Nam, nhận định đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ lần này có nhiều điểm khác biệt so với những lần trước đó.
Điều đầu tiên là nhiều ca bệnh được ghi nhận ở các quốc gia bên ngoài châu Phi.
"Từng là dịch bệnh chủ yếu chỉ xuất hiện ở châu Phi nhưng ở đợt bùng phát này, châu Âu hiện là khu vực có nhiều ca bệnh nhất. Cũng chỉ cách đây vài tuần, Mỹ đã trở thành nước đứng đầu về số ca đậu mùa khỉ", BS Eric Dziuban thông tin.
Đặc điểm lâm sàng của các ca bệnh trong đợt bùng phát dịch lần này cũng có nhiều điểm khác biệt.
Theo đó, phát ban vẫn là biểu hiện đặc trưng của đậu mùa khỉ nhưng thường bắt đầu ở vùng sinh dục và quanh hậu môn. Đôi khi, các vết ban không lan ra những bộ phận khác của cơ thể.
Điều này khiến các bác sĩ dễ chẩn đoán nhầm đậu mùa khỉ thành các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Các triệu chứng trước ban như sốt, đau nhức, mệt mỏi ở bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ trong lần bùng dịch này ít phổ biến hơn so với các đợt dịch trước.
Dù vậy, vị chuyên gia vẫn nhận định đậu mùa khỉ có ít nguy cơ trở thành đại dịch và khó có thêm một đại dịch lớn như Covid-19.
Ông nói: "Đậu mùa khỉ không lây lan nhanh như Covid-19. Mặt khác, hầu hết ca bệnh tự khỏi và không cần điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này”.
Tuy nhiên, lần bùng phát dịch lần này có nhiều đặc điểm riêng biệt trước đây thế giới chưa từng ghi nhận. Do đó, bác sĩ Eric Dziuban cho rằng chúng ta cần tìm hiểu kỹ hơn để chẩn đoán và điều trị được tốt trong thời gian tới.
Liên quan vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết từ những nghiên cứu và đánh giá hiện tại, bệnh đậu mùa khỉ ít có khả năng bùng phát thành đại dịch, giống như Covid-19 đã làm thời gian qua.
Khác với Covid-19, đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp gần, thông qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp, tiếp xúc chung các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh.
Ngoài ra, sự lây truyền cũng có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang con hoặc trong quá trình tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Đáng chú ý, đường lây chủ yếu của đậu mùa khỉ đến nay được ghi nhận ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
Cùng quan điểm, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, đánh giá tỷ lệ gây đại dịch của đậu mùa khỉ gần như bằng không. Nguyên nhân là hiện bệnh vẫn chỉ tập trung ở nhóm nam giới có quan hệ tình dục đồng giới với nhiều bạn tình.
Mặt khác, vị chuyên gia cho rằng virus đậu mùa khỉ chủ yếu lây qua tiếp xúc gần, từ người có triệu chứng rõ ràng như mụn nước, phát ban, mụn mủ… Do đó, nếu chúng ta biết về nó và phòng tránh, nguy cơ lây nhiễm là hầu như không có.
PGS Dũng giải thích thêm: “Với đường lây như vậy, việc lây từ người sang người là tương đối khó. Với người bình thường, không quan hệ tình dục, tỷ suất tái tạo căn bản (R0) chỉ ở mức dưới 1 (khoảng 0,5-0,8). Tức bệnh đậu mùa khỉ không có khả năng tạo thành dịch ở những người được loại trừ hoạt động giao hợp”.
Tránh tâm lý hoang mang
Từ hiểu biết về đường lây nói trên cũng như việc WHO công bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, người dân sẽ cần rất cảnh giác và chủ động phòng tránh căn bệnh này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chúng ta không nên quá hoang mang.
Tiến sĩ Trần Văn Giang, Phó viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khẳng định: “Ở thời điểm này, việc nâng cao cảnh giác và bổ sung kiến thức, nhận biết về bệnh đậu mùa khỉ là quan trọng. Tuy nhiên, không nên vì thế mà mọi người quá hoang mang”.
Vị chuyên gia lưu ý người dân càng hoang mang, công tác và hiệu quả phòng bệnh đậu mùa khỉ sẽ trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
“Chúng ta đã có bài học về sự hoang mang khi phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở giai đoạn đầu. Vì thế, trong bối cảnh phòng bệnh đậu mùa khỉ, người dân cũng nên bình tĩnh”, ông nói
Cụ thể, khi phát hiện ca bệnh hoặc có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ, vị chuyên gia khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, tự cách ly và báo cáo tới cơ sở y tế gần nhất để có hướng dẫn và được can thiệp kịp thời.
TS Giang nhấn mạnh mọi người tuyệt đối không tự tìm hiểu thông tin và tự mua thuốc hoặc tự xét nghiệm, đồng thời tránh lan truyền những thông tin tiêu cực, ảnh hưởng việc phòng dịch trong cộng đồng.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....