Chị H. (32 tuổi, quốc tịch Lào) bị đau mỏi lưng kéo dài suốt hơn 1 năm qua nhưng chủ quan không đi kiểm tra sức khỏe. Gần đây, phần đau lan dần xuống chân khiến 2 chân tê bì, yếu dần, cơ thể mệt mỏi mới đến BV K thăm khám.

Kết quả chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân có khối u trong tủy sống cột sống ngực, đường kính lên tới 6cm, chạy dọc tủy sống.

TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, BV K cho biết, u của bệnh nhân ở vị trí “hiểm”, liên quan đến rất nhiều dây thần kinh có chức năng quan trọng như vận động, cảm giác, điều khiển chức năng đại tiện, tiểu tiện... Do đó phẫu thuật triệt để khối u là thách thức lớn.

Khối u có kích thước 6cm trong lòng ống tủy

Bệnh nhân được hội chẩn toàn viện với các chuyên gia đầu ngành về ung bướu để tìm ra phương án điều trị tốt nhất.

Các bác sĩ  nhận định, với trường hợp bệnh nhân H., ngoài nhiệm vụ bóc tách khối u nằm ở giữa tủy sống, phẫu thuật viên còn phải bảo vệ tủy sống, chỉ cần sơ xảy có thể tổn thương cấu trúc tủy sống, để lại hậu quả nặng nề với người bệnh như liệt hoàn toàn 2 chân, tiểu tiện không tự chủ.

TS Liên làm trưởng ekip phẫu thuật. Ca mổ kéo dài 4 giờ đồng hồ với các trang thiết bị hiện đại như kính hiển vi, bột cầm máu, máy hút u siêu âm, máy kích thích thần kinh trong mổ. Kíp mổ đã bóc được toàn bộ khối u, bảo vệ an toàn cấu trúc tủy sống và rễ thần kinh. 

Ekip phẫu thuật cho bệnh nhân

Sau mổ 7 ngày, hiện bệnh nhân đang tập đi trở lại, các chức năng cảm giác và đại tiểu tiện bình thường.

Theo kết quả sinh thiết, đây là khối u màng nội tủy, nằm ở giữa tủy sống, biện pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật do có độ ác tính thấp.

Theo TS Liên, u tủy có triệu chứng khởi phát khá kín đáo và tiến triển chậm, dễ bị bỏ qua trong giai đoạn đầu nên hầu hết bệnh nhân đều nghĩ đau lưng do thoái hoá.

Các triệu chứng lâm sàng sớm của u tủy sống gồm đau cột sống, đi lại khó khăn thoáng qua. Khi u phát triển đủ lớn thường gây các rối loạn chức năng thần kinh như rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, rối loạn cơ tròn (gây tiêu, tiểu khó, táo bón), co cứng cơ, teo cơ...     

Để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần đến khám các bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc chuyên khoa ung bướu thần kinh. Khi đó các bác sĩ định khu vùng cột sống tương ứng gây ra triệu chứng, từ đó chỉ định chụp MRI để xác định có u hay không, u loại gì, mối liên quan giữa u và tủy sống giúp xác định chẩn đoán và đánh giá đầy đủ trước và sau mổ.

Sau mổ, bác sĩ sẽ sinh thiết để xác định u ác tính cao hay thấp. Nếu u ác tính thấp, khi được chẩn đoán sớm và phẫu thuật kịp thời, bệnh sẽ ít có nguy cơ tái phát, chất lượng cuộc sống sau mổ bình thường.