Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí khi trẻ bị say nắng
Say nắng là phản ứng của cơ thể khi trẻ phải học tập, luyện tập thể lực hay vui chơi trong môi trường nóng bức, nhiệt độ cao.
Trẻ bị say nắng có nguy hiểm không?
Khi trời nắng nóng, cơ thể sẽ kích hoạt các phản ứng điều hòa thân nhiệt để giảm nhiệt độ như: Giãn nở mạch máu khiến máu dồn nhiều tới da, làm thoát nhiệt ra ngoài, tuyến mồ hôi tăng cường hoạt động, tiết nhiều mồ hôi để hạ nhiệt cho cơ thể.
Cơ thể có khả năng điều hòa thân nhiệt trong một giới hạn nhất định để thích ứng với nhiệt độ môi trường. Tuy nhiên, khả năng này ở mỗi người mỗi khác nhau, do đó trẻ em thường có sức chịu đựng kém hơn người lớn rất nhiều và dễ gặp nguy hiểm khi bị say nắng.
Khi nhiệt độ của môi trường bên ngoài tăng nhanh và cao, cơ thể trẻ bị mất quá nhiều nước qua mồ hôi, điều này có thể gây ra những biến đổi trầm trọng và thậm chí dẫn đến tử vong ở trẻ em.
Dấu hiệu trẻ bị say nắng
Khi bị say nắng, trẻ sẽ có những biểu hiện thông thường như sau:
Da nóng bừng, ửng đỏ, sốt cao trên 40 độ C.
Trẻ không có mồ hôi.
Trẻ bị nhức đầu do nhịp tim đập nhanh.
Xuất hiện tình trạng khó thở, động tác chậm chạp, thiếu chính xác.
Các mạch máu ở cổ và hai bên thái dương đập mạnh.
Tổng trạng lơ mơ,
Trường hợp nặng, trẻ có thể bị chuột rút khiến cơ thể co cứng, cơ bắp đau. Sau đó cơ mềm nhũn, đau bụng, nôn mửa, mê man, mất ý thức.
Nhiều trường hợp trẻ còn có hiện tượng co giật, động kinh, sốc, ngừng thở, nếu không cấp cứu nhanh sẽ dễ tử vong.
Xử trí khi trẻ bị say nắng
Say nắng có thể đe dọa tính mạng trẻ. Vì vậy, phụ huynh cần bình tĩnh và nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất. Trong thời gian đó cần thực hiện một vài thao tác sơ cứu:
Nhanh chóng đưa trẻ vào nơi mát mẻ, thoáng khí. Cởi bỏ những thứ cản trở hô hấp của trẻ như cúc áo, cúc quần hoặc cởi bỏ luôn quần dài để hạ nhiệt.
Cho trẻ nằm, chân nâng cao. Giải tán những người tập trung xung quanh, đồng thời thổi hơi quạt nhẹ cho trẻ, không phả thẳng vào mặt.
Sử dụng khăn sạch, thấm ướt bằng nước mát rồi lau khắp cơ thể. Chườm khăn mát ở trán, ngực, nách, hai cánh tay, đùi để giúp lỗ chân lông của trẻ thông thoáng để nhiệt lượng thoát ra ngoài.
Việc uống thuốc hạ sốt ngay lúc này thường không hiệu quả. Trong trường hợp trẻ rơi vào hôn mê, nhúng người trẻ vào nước lạnh (nhiệt độ mát) có thể cứu sống trẻ. Nếu trẻ còn tỉnh, cho trẻ uống ngay một ly nước lạnh, uống mỗi 15 phút cho đến khi trẻ cảm thấy đỡ hơn.
Khi đã vượt qua các triệu chứng nguy hiểm, việc bù nước và các chất điện giải bằng cách cho trẻ uống nước pha muối (từ 4 - 5g muối trong một lít nước), nước ép trái cây, dung dịch oresol cho đến khi trẻ hết khát.
Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, không cho trẻ ăn hoặc uống khi trẻ chưa tỉnh hẳn. Bắt buộc phải đợi sau khi trẻ tỉnh táo mới cho ăn, uống để bổ sung nước và muối khoáng bị mất đi.
Cho trẻ uống thật từ từ, uống từng chút một để tránh tình trạng nôn ói, mỗi lần uống không vượt quá 300ml.
Sau khi sơ cứu cơ bản, trẻ đã dần ổn định, những biện pháp nêu trên vẫn cần tiếp tục thực hiện trên đường đưa trẻ đến bệnh viện, điều này rất hữu ích cho việc xử trí say nắng tiếp nối.
Phòng ngừa trẻ bị say nắng
Khi trẻ cần phải tập luyện hoặc vui chơi ngoài trời nắng, phụ huynh nên dành vài ngày để cho trẻ ra nắng từ từ, giúp cơ thể trẻ quen dần với tác động của nắng nóng.
Cho trẻ uống thêm nước khi đi học và khi phải luyện tập trong môi trường nóng bức.
Chọn quần áo nhẹ, màu sắc tươi sáng, đội nón rộng vành sẽ giúp trẻ bớt nóng đáng kể.
Tránh việc ép buộc trẻ tập luyện quá sức ngoài trời nắng, nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cần cho trẻ ngừng ngay việc tập luyện và vào chỗ có bóng mát để nghỉ ngơi.
Nếu trẻ phải thường xuyên học, tập luyện ngoài nắng thì nên dành thời gian giải lao sau giờ tập, cho trẻ vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi và uống nước.
Cha mẹ không nên cho trẻ ra ngoài trong khoảng 10 giờ trưa đến 15 giờ chiều. Đây là thời điểm nắng gay gắt nhất, nguy cơ trẻ bị say nắng và sốc nhiệt rất cao. Đồng thời, cần tránh xa nơi có ánh sáng phản chiếu mạnh như: Bề mặt cát ở bãi biển, mặt kính, gương… chỉ nên cho trẻ chơi ở chỗ râm mát dưới bóng cây.
Các loại rau củ quả như bí đao, mướp đắng, dưa hấu, dưa chuột, cà chua, xà lách, nước dừa… vừa giúp trẻ bổ sung lượng nước cho cơ thể, vừa có tác dụng giải nhiệt, chống say nắng hiệu quả.
Trẻ bị say nắng tưởng chừng như rất đơn giản. Tuy nhiên, nếu không nhận diện dấu hiệu và xử trí kịp thời, trẻ có thể gặp nguy hiểm chỉ vì sự chủ quan của cha mẹ.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.