Bệnh lý mạch máu ngoại vi bao gồm những tổn thương của hệ mạch máu, ngoại trừ mạch máu não và bệnh về tim. Những tổn thương này thường là biến chứng lâu dài của bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường.

Viêm tĩnh mạch chi

Viêm tĩnh mạch thường xuất hiện ở chân nhiều hơn tay. Viêm tĩnh mạch được chia ra làm 2 loại:

Viêm tắc tĩnh mạch nông: Triệu chứng thường gặp là đỏ, nóng vùng bắp chân, có thể đau khi sờ vào, sốt và mệt mỏi. Sờ vào bắp chân sẽ thấy vùng tĩnh mạch viêm như một chuỗi hạt cứng, đụng vào thì rất đau.

Viêm tắc tĩnh mạch sâu: Cơn đau dữ dội hơn, cảm giác căng tức bắp chân, có thể kèm sốt hoặc không. Bệnh có thể tiến triển thành huyết khối tĩnh mạch sâu, thậm chí là thuyên tắc phổi, gây cơn khó thở tức ngực cho người bệnh.

Viêm tắc tĩnh mạch xuất hiện ở chân nhiều hơn tay - Ảnh minh họa: Internet

Giãn tĩnh mạch chi

Bệnh xảy ra ở nữ nhiều hơn nam, đặc biệt ở người lớn tuổi, những người phải đứng lâu, ngồi lâu như người bán hàng, giáo viên hoặc những người bị thừa cân.

Theo sinh lý bình thường, máu tĩnh mạch chảy về tim được trợ giúp bởi sự co cơ và các van tĩnh mạch. Van tĩnh mạch hoạt động như cánh cổng một chiều ngăn không cho dòng máu chảy ngược trở lại. Trong suy giãn tĩnh mạch chi, các tĩnh mạch suy yếu và giãn to làm thay đổi cấu trúc của tĩnh mạch, khiến máu bị ứ lại, không về được tim.

Khi bị bệnh, triệu chứng dễ nhận biết nhất là các tĩnh mạch nông ở chân giãn căng ra, ngoằn ngoèo, xanh tím trên da, thậm chí xoắn lại thành từng búi. Ngoài ra, xuất hiện phù mắt cá chân hoặc bàn chân vào cuối ngày.

Tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo trong suy giãn tĩnh mạch chi - Ảnh minh họa: Internet

Giãn tĩnh mạch chi được chia thành 6 cấp độ.

  • Độ 1, 2 : chưa có biểu hiện nhiều, đôi khi đứng lâu người bệnh thấy bồn chồn chân.
  • Độ 3, 4: bệnh biểu hiện rõ hơn với các triệu chứng nổi rõ tĩnh mạch, có phù chân.
  • Độ 5, 6: da bệnh nhân đổi màu, lở loét, thậm chí gây ra các huyết khối tĩnh mạch gây ứ trệ máu về tim.

Hiện tại suy giãn tĩnh mạch chi có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa như dùng thuốc, băng ép hoặc bằng ngoại khoa.

Tắc động mạch chi

Tắc động mạch chi được gây ra bởi nguyên nhân chính là do cục máu đông di chuyển đến gây tắc mạch, do huyết khối hình thành trên mạch máu bệnh lý có sẵn hoặc do chấn thương mạch máu.

Khi dòng máu đến bị thiếu hụt khiến chân tay vùng tương ứng thấy đau và tê bì. Nếu động mạch bị hẹp nặng sẽ khiến dòng máu nuôi bị chặn lại, làm cho các mô tại đó bị hoại tử, thậm chí có người bệnh phải cắt cụt chi.

Khối máu tắc nghẽn gây tắc động mạch chi - Ảnh minh họa: Internet

Đôi khi người bệnh có những cơn chuột rút khi đi bộ, đi một đoạn thì xuất hiện đau, nghỉ thì hết đau – gọi là đau cách hồi. Càng hoạt động nhiều cơn đau càng tăng lên. Tuy nhiên đây không phải là triệu chứng đặc hiệu của bệnh.