Theo số liệu từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến đứng thứ 2 trên thế giới (chiếm 11,4%) với khoảng 2,2 triệu ca mắc mới năm 2020. Đồng thời, bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong tất cả các bệnh ung thư với gần 1,8 triệu ca tử vong trong năm.

Ung thư phổi là sự tăng trưởng bất thường của các mô trong phổi. Ung thư phổi giai đoạn sớm thường không gây ra triệu chứng, vì vậy, nhiều người khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn nặng. Một số triệu chứng được coi là phổ biến, thường gặp ở bệnh nhân ung thư phổi bao gồm: Ho trở nặng hoặc không chấm dứt; Khàn tiếng; Khó khăn về hô hấp, ví dụ như khó thở; Đau ngực liên tục; Ho ra máu; Mệt mỏi kéo dài; Thường xuyên nhiễm trùng phổi, ví dụ như viêm phổi; Sụt cân không rõ nguyên nhân...

Dấu hiệu trên mặt cảnh báo ung thư phổi

Bệnh ung thư phổi cũng có thể có những dấu hiệu khác, nhưng đôi khi giống với các bệnh không liên quan nên dễ dẫn tới nhầm lẫn hoặc bỏ sót. Một trong những dấu hiệu dễ bị bỏ qua đó là tình trạng sưng trên mặt hoặc cổ.

Theo trang web y tế LungCancer.net, ung thư phổi có thể gây sưng ở mặt và cổ khi một khối u ác tính đè lên tĩnh mạch chủ trên. Các triệu chứng tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên có thể phát triển nhanh chóng hoặc từ từ.

Tĩnh mạch chủ trên là tĩnh mạch dài đi từ đầu đến tim, có thành mỏng nên dễ bị chèn ép.

Nếu một khối u làm gián đoạn lưu lượng máu tự nhiên bên trong tĩnh mạch chủ trên, nó thường dẫn đến sưng quanh mắt, đặc biệt là vào buổi sáng. Các triệu chứng thường gặp khác của tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên bao gồm: khó thở và sưng mặt, cổ, cánh tay hoặc thân. Đôi khi, tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên cũng có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, rối loạn thị giác, ngất xỉu và đỏ mặt, đỏ lòng bàn tay hoặc có màng nhầy trong mũi, miệng.

Hầu hết các trường hợp tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên (SVCO) là do ung thư phổi. Khối ung thư có thể đè trực tiếp lên tĩnh mạch chủ trên hoặc nó có thể lan đến các hạch bạch huyết gần đó, gây sưng. Những nguyên nhân có thể khác bao gồm: Các bệnh ung thư ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết ở ngực như u lympho và ung thư vú, ruột hoặc thực quản.

Ngoài sưng lên mặt, mọi người cũng có thể bị sưng ở cổ, cánh tay và ngực - nơi tĩnh mạch đang bị khối u chèn ép.

Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến và nghiêm trọng nhất. Tại Việt Nam, theo thống kê của tổ chức GLOBOCAN năm 2020, số trường hợp ung thư phổi ghi nhận được 26.262 ca. Đây là loại ung thư chiếm tỷ lệ thứ 2 ở cả hai giới. Tỷ lệ mắc mới tại Việt Nam là khoảng 23 trường hợp/100.000 dân, tỷ lệ tử vong 21,9/100.000 dân. Tuy nhiên nếu tầm soát, phát hiện các triệu chứng của bệnh ngay từ giai đoạn đầu thì sẽ giúp làm tăng cơ hội sống sót cho người bệnh.

Ở giai đoạn đầu của bệnh thường có rất ít dấu hiệu nên khó phát hiện những thay đổi nhỏ. Ung thư phổi chủ yếu ảnh hưởng đến người già, hiếm gặp ở những người dưới 40 tuổi. Hút thuốc vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh ung thư phổi, tuy nhiên, những người chưa bao giờ hút thuốc cũng có thể phát triển bệnh.

Đối với những người hút thuốc, từ bỏ thói quen này là một điều quan trọng nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo mọi người nên có chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ, bao gồm ít nhất năm phần trái cây và rau quả tươi mỗi ngày, nhiều ngũ cốc nguyên hạt... có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi cũng như các loại ung thư khác và bệnh tim.