Bạn hiểu thế nào về bệnh đột quỵ?

Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là một trong những căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe. Đột quỵ não là tình trạng máu và oxy đột ngột ngưng trệ, không thể lên não, dẫn đến các tế bào não sẽ chết đột ngột chỉ sau vài phút. 

Theo báo cáo của Tổ chức Đột quỵ thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 16 triệu ca đột quỵ, khoảng 6 triệu ca tử vong vì căn bệnh này.

Đột quỵ là một trong những căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe - Ảnh minh họa: Internet

Bệnh nhân có thể bị liệt, hôn mê thậm chí tử vong rất nhanh sau khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ. Tùy thuộc vào diện tích não bị ảnh hưởng và mức độ trầm trọng của tổn thương tế bào não. Vì vậy, nhận biết sớm và xử lý kịp thời các dấu hiệu đột quỵ là vô cùng quan trọng.

Phân loại đột quỵ

Dạng thứ nhất là đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Bệnh thường gặp sau cơn đau hoặc do cục máu đông hình thành trong các mạch máu não, trong mạch máu dẫn đến não hay trong các mạch máu ở những nơi khác của cơ thể có đường đi đến não.

Những cục máu đông này sẽ chặn lưu lượng máu đến các tế bào của não, dạng này chiếm tỉ lệ cao trên 80% các ca đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Cục máu đông chèn ép mạch máu não - Ảnh minh họa: Internet

Dạng thứ hai là đột quỵ do xuất huyết não: Xảy ra do một mạch máu não bị vỡ, kết quả khiến máu thấm vào mô não, gây tổn thương các tế bào não.

Phổ biến nhất là do sự kết hợp giữa huyết áp cao với chứng phình động mạch não hay chứng dị dạng mạch máu não bẩm sinh, có thể do rối loạn đông máu hoặc do bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chống đông.

Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, nhưng phổ biến nhất là tình trạng mỡ máu cao và kéo dài, hình thành các mảng xơ mỡ động mạch. Đây có thể là hậu quả của thói quen sử dụng rượu bia, thuốc lá, ít vận động...

Các mảng xơ mỡ đóng ở thành mạch làm lòng mạch hẹp dần - Ảnh minh họa: Internet

Các mảng xơ mỡ đóng ở thành mạch ngày càng dày lên làm lòng mạch hẹp dần, máu ứ lại và đóng thành cục máu đông gây tắc mạch tại chỗ hoặc cục máu đông di chuyển làm tắc động mạch ở nơi khác.

Bên cạnh đó, các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, căng thẳng trong công việc kéo dài… cũng có thể gây ra đột quỵ.

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sắp xảy ra

Để hạn chế hậu quả do các cơn đột quỵ gây ra, việc nhận biết chính xác các dấu hiệu đột quỵ để kịp thời cấp cứu cho nạn nhân trong "giờ vàng" là vô cùng cần thiết.

Dưới đây là 7 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ mà chúng ta không nên bỏ qua:

1. Dấu hiệu ở mặt: Khuôn mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi, má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.

2. Dấu hiệu ở tay, chân: Tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác ngay cả trong những sinh hoạt đơn giản hàng ngày. Chân tay cảm giác nặng trĩu, đi lại khó khăn, động tác nhấc chân rất khó hoặc không thực hiện được, nhiều trường hợp vấp ngã hoặc đứng không vững.

3. Dấu hiệu qua giọng nói: Nói ngọng bất thường, môi lưỡi tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức mới nói được, nói không rõ, có khi đã gắng hết sức khi nói nhưng vẫn khó diễn đạt được điều muốn nói.

4. Dấu hiệu nhận thức: Biểu hiện rối loạn trí nhớ rõ rệt, không nhận thức mọi việc, tai bị ù, không nghe được rõ.

Người bệnh thường cảm thấy nhức đầu dữ dội - Ảnh minh họa: Internet

5. Dấu hiệu thần kinh: Cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của đột quỵ, nhất là người có tiền sử đau nửa đầu.

6. Dấu hiệu thị lực: Mắt mờ một bên hoặc mờ cả hai bên, người thân xung quanh nên hỏi rõ bệnh nhân để sớm nhận biết, nếu có tình trạng này nên đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.

7. Dấu hiệu đau: Ngoài đau đầu dữ dội thì người bệnh còn có thể biểu hiện đau thắt ngực, tim đập nhanh, cảm giác rất khó chịu.

Việc học cách nhận biết các dấu hiệu đột quỵ là rất quan trọng. Mặc dù một số dấu hiệu có thể không gây đau hay thậm chí qua đi nhanh chóng, nhưng cùng có thể là những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng cơn đột quỵ đã xảy ra hoặc sắp xuất hiện.

Mỗi phút đều có ý nghĩa: Người bệnh cần được điều trị càng sớm trong vòng 60 phút) thì nguy cơ xuất hiện tổn thương vĩnh viễn càng giảm.

Dược sĩ Đỗ Mai Thảo

Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang