Đâu chỉ gãi là hết ngứa!
Đi khám tại Bệnh viện (BV) Da liễu (TP HCM), chị N.T.M (30 tuổi, ngụ quận 2, TP HCM) than rằng không ngờ có ngày mình phải khổ sở vì một vết ngứa tưởng chừng vô hại đến vậy. Cách đây nửa năm, chị bị nổi một nốt nhỏ bên mạn sườn, gây ngứa. Tưởng con gì đốt, chị bôi dầu nhưng không hết. Sau đó, chị bắt đầu thử các loại thuốc chống ngứa nhưng tình trạng ngày càng nặng.
Bi hài chuyện tự chữa
"Ban đầu tôi mua một tuýp kem da liễu thông dụng, bôi lên thấy đỡ nhưng sau đó lại tái phát. Tôi bôi nhiều lần nữa, đổi vài loại thuốc nhưng cứ ngưng bôi là lại nổi mẩn. Từ một vết ban đầu nay lan ra cả vùng lớn" - chị kể. Chị được chẩn đoán viêm da thể tạng, cộng thêm chứng "da nghiện corticoid" nên bệnh tái phát nhiều lần.
Cũng mệt mỏi vì ngứa, chị N.T bị bác sĩ (BS) trách vì vội dùng thuốc xanh methylen sát trùng da cho con khi bé than ngứa. "Thuốc này lần trước tôi bị thủy đậu có dùng, thấy hiệu quả, nay thấy con gãi, tưởng bị giống vậy, ai ngờ cháu bị nổi mề đay do dị ứng thức ăn" - người mẹ 29 tuổi than thở.
Rất may là sau đó thấy bé mệt nhiều, chị đưa con đi khám. BS khuyên lần sau đừng vội dùng thuốc này, bởi lẽ màu xanh tím của nó có thể che đi các triệu chứng của phát ban do sởi, tay chân miệng… làm cản trở việc chẩn đoán đúng bệnh của bé.
Triệu chứng của nhiều bệnh
Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), ngứa có thể là triệu chứng của rất nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau và việc tự xử lý khi chưa rõ nó là gì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, kể cả người lớn. Ở trẻ em, ngứa có thể là biểu hiện của bệnh về da, rôm sảy, nổi mề đay do dị ứng, ngứa do phát ban trong các bệnh nhiễm…Ngứa cũng là triệu chứng phổ biến trong vô số bệnh da liễu ở cả người lớn lẫn trẻ em. Trong một nghiên cứu được trình bày tại một hội nghị gần đây của BS chuyên khoa II Phạm Đăng Trọng Tường (BV Da liễu TP HCM), ông nói rõ: Ngứa là cảm giác của da và niêm mạc mà không hiện diện ở cơ quan nội tạng, có thể biểu hiện ở dạng cấp tính (dưới 6 tuần) hoặc mạn tính (trên 6 tuần).
Theo một thống kê da liễu của Đức dựa trên 11.730 người, tỉ lệ mắc triệu chứng ngứa gia tăng theo độ tuổi, từ 12,3% ở độ tuổi 16-30, lên đến 20,3% ở tuổi 61-70. "Ngứa là triệu chứng thường gặp ở hầu hết bệnh nhân viêm da thể tạng, vảy nến (70%-90%); một số bệnh hệ thống cũng gây ngứa như xơ gan tắc mật nguyên phát (80%-100%), bệnh thận mạn tính (40%-70%), bệnh Hodgkin (hơn 30%)…" - BS Phạm Đăng Trọng Tường cho biết.
Không nên xem thường
BS Tường lưu ý rằng mọi trường hợp bệnh nhân mắc phải cơn ngứa dai dẳng, xử trí bằng các biện pháp thông thường không hết thì phải đến BS để được khám, chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp. Tuyệt đối không tự ý bôi những thứ thuốc mình không rõ tác dụng lên vùng bị ngứa. Ngứa còn có thể là biểu hiện của các bệnh nội khoa, muốn hết ngứa, bệnh nhân cần trị đúng các bệnh này chứ không đơn giản là giải quyết cảm giác ngứa trên da.
BS Nguyễn Minh Tiến khuyến nghị trong mùa bệnh trẻ em, phụ huynh càng cần chú ý hơn nếu thấy con mình bị ngứa, hay gãi. Mọi loại phát ban gây ngứa đều cần được thăm khám bởi BS. Khi đang trị bệnh, lưu ý cắt móng tay cho trẻ, đừng để trẻ gãi làm tổn thương da. Ngứa do nổi mề đay trong dị ứng thức ăn cũng cần lưu ý: Nếu nổi một ít trên tay, chân thì còn nhẹ nhưng nếu nổi trên mặt, ví dụ như làm sưng mắt, vùng quanh miệng…, thì phải lập tức đưa trẻ vào BV ngay.
8%-15% ngứa mạn tính không rõ nguyên nhân
BS chuyên khoa II Phạm Đăng Trọng Tường thông tin có thể chia nguyên nhân ngứa thành các nhóm lớn như sau: ngứa do bệnh da (viêm da, nhiễm trùng da, ngứa da khi mang thai, bệnh da ác tính...); ngứa do bệnh hệ thống (bệnh nội khoa, nhiễm trùng, huyết học, do uống thuốc...); ngứa do bệnh thần kinh; ngứa do bệnh tâm thần (ảo giác, trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt...); ngứa do bệnh phối hợp; ngứa không rõ nguyên nhân. Trong đó ngứa mạn tính không rõ nguyên nhân chiếm đến 8%-15% các trường hợp ngứa mạn tính.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không ngờ. Tuy nhiên, đội như thế nào, chất liệu mũ ra sao cũng cần đặc biệt chú ý.
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn so với các nước Âu Mỹ nhưng tỷ lệ gãy xương lại tương đối thấp.
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được. Tuy nhiên, bạn luôn có thể ngăn chặn điều đó. Với mẹo tránh 7 sai lầm trong chế độ ăn uống dưới đây sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhé!