Viêm ruột thừa là gì?Viêm ruột thừa xảy ra khi xuất hiện tình trạng tắc nghẽn bên trong ruột thừa, các chất thải đến ruột già bị tích tụ dần, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, gây sưng, viêm, nhiễm trùng với triệu chứng điển hình là cơn đau ruột thừa.
Đây là bệnh lý nguy hiểm cần được cấp cứu và chữa trị càng sớm càng tốt. Thời gian diễn tiến của bệnh thường rất nhanh chóng và có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu điều trị chậm trễ.
Đau bụng do viêm ruột thừa có đặc điểm gì?
Đau bụng là dấu hiệu xuất hiện đầu tiên khi ruột thừa bắt đầu bị viêm nhiễm. Vị trí đau bụng thường khó xác định, có thể bắt đầu từ nhiều vị trí khác nhau trong ổ bụng nhưng thường gặp nhất là vùng trên rốn. Sau 1 đến 3 giờ, cơn đau mới khu trú điển hình về hố chậu phải (vùng bụng dưới rốn, bên phải, nằm trong hố của xương chậu).
Có thể thấy, ngoài dấu hiệu “kinh điển” là đau bụng dưới bên phải, ngay cả đau bụng trên rốn cũng không loại trừ nguyên nhân cơn đau là do ruột thừa bị viêm.
Đôi khi cơn đau lại khu trú ở vùng thắt lưng phải, có thể lan xuống hông và đùi phải, do kích thích thần kinh hông to trong thể viêm ruột thừa sau manh tràng.
Tính chất cơn đau là âm ỉ, liên tục, tăng dần. Độ nặng của những cơn đau ruột thừa thường tiến triển trong vòng 24 giờ. Khi bệnh trở nặng thì đau dữ dội mà không có dấu hiệu thuyên giảm kèm theo chướng bụng.
Các triệu chứng khác của viêm ruột thừa
Buồn nôn.
Sợ thức ăn hoặc không cảm thấy đói cũng là dấu hiệu phổ biến của viêm ruột thừa.
Táo bón hoặc tiêu chảy.
Sốt là dấu hiệu xuất hiện khá muộn và báo hiệu bệnh viêm ruột thừa đã chuyển sang giai đoạn khá nặng. Tuy nhiên, cơn sốt thường không quá cao nên rất nhiều người bệnh chủ quan.
Co cứng thành bụng là một dấu hiệu thực thể quan trọng của viêm ruột thừa.
Biến chứng của viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là bệnh lý ngoại khoa khá phổ biến. Biểu hiện của viêm ruột thừa cũng dễ bị nhầm với rối loạn tiêu hóa. Do đó, có nhiều bệnh nhân lại tự điều trị, uống kháng sinh và thuốc giảm đau.
Sau đó bệnh càng trở nặng mới đến bệnh viện, khi đó ruột thừa đã bị hoại tử, vỡ ra, làm mủ lan tràn ổ bụng gọi là viêm phúc mạc, gây tắc ruột, gây nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan và nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, khi chưa xác định được nguyên nhân đau bụng, người bệnh nên đến các cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt để có chẩn đoán chính xác cũng như điều trị kịp thời nhất, không tự ý mua thuốc giảm đau tại hiệu thuốc.
Điều trị viêm ruột thừa
Hiện nay, phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là phương pháp điều trị chính và gần như là duy nhất của bệnh viêm ruột thừa.
Phương pháp phẫu thuật truyền thống với cách mổ mở, một đường rạch da nhỏ ở phần dưới bên phải ổ bụng và cắt bỏ ruột thừa.
Gần đây, phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh viêm ruột thừa với ưu điểm là quan sát được toàn thể ổ bụng, giảm đau sau mổ, thời gian hồi phục sớm cũng như tính thẩm mỹ cao.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị hỗ trợ bao gồm bù nước, nâng đỡ cơ thể, dùng thuốc giảm đau và kháng sinh giúp chống viêm, nhiễm trùng hậu phẫu.
Nếu là viêm ruột thừa cấp (chẩn đoán sớm), viêm ruột thừa chưa vỡ thì khả năng biến chứng sau mổ là rất thấp, bệnh nhân thường được xuất viện trong vòng 1 – 2 ngày.
Nhưng đối với các trường hợp viêm phúc mạc ruột thừa thì nguy cơ biến chứng tắc ruột sau mổ là rất cao. Do đó, thời gian nằm ở bệnh viện có thể từ 4 – 7 ngày, tùy thuộc vào mức độ bệnh và thể trạng của bệnh nhân.
Các biến chứng sau mổ ruột thừa thường gặp
Nôn ói không kiểm soát.
Đau bụng trầm trọng hơn.
Chóng mặt, hoa mắt, không tỉnh táo.
Tiểu hoặc đi cầu ra máu.
Vết mổ bị đau, xuất hiện mủ và sưng tấy.
Sốt bất thường.
Khi gặp các triệu chứng trên thì người bệnh nên đi tái khám ngay để các nhân viên y tế có hướng điều trị chính xác và kịp thời.
Tổng kết lại, viêm ruột thừa là bệnh lý thường gặp. Đau bụng do viêm ruột thừa cũng thay đổi tùy theo từng cá thể. Do đó, khi có các dấu hiệu bất thường nêu trên, chúng ta nên đi khám ngay, tránh các biến chứng nguy hiểm do ruột thừa bị vỡ.