Đó là câu chuyện của Lin Lin năm nay mới 19 tuổi nhưng đã kết hôn và sinh con khá sớm. Sau khi con trai đầu lòng chào đời, vợ chồng cô không có dự định sinh thêm con vì kinh tế gia đình khó khăn và Lin Lin cũng cần dành thời gian đi học để kiếm nghề nghiệp ổn định.

Vậy nhưng khi con trai được 7 tháng tuổi, Lin Lin thấy khó chịu vì thường xuyên bị đầy bụng, tức bụng, đôi khi còn có cảm giác như đang có thứ gì động đậy bên trong. Vì tình trạng kéo dài đến cả tuần, cô được chồng đưa đến bệnh viện khám.

Khi làm thủ tục khám, nữ y tá hỏi Lin Lin liệu có phải cô đang mang bầu không, cô trả lời: "Không thể, tôi mới sinh con và vẫn đang cho con bú, chưa có kinh nguyệt trở lại". Vậy nhưng kết quả siêu âm sau đó lại chứng minh phỏng đoán của y tá là chính xác hoàn toàn. Lin Lin đang mang bầu lần 2 và bé đã được hơn 16 tuần nên việc cô cảm thấy chuyển động của thai nhi là hợp lý.

Bác sĩ khẳng định việc Lin Lin đang mang bầu là chính xác. Ảnh minh họa: Internet

"Tin vui" đến quá bất ngờ này khiến hai vợ chồng Lin Lin đứng hình. Cô gái trẻ vẫn không tin và hỏi lại: "Có thật là mang bầu không bác sĩ? Sao lại mang bầu được chứ? Tôi còn chưa có kinh nguyệt mà".

Bác sĩ khẳng định việc Lin Lin đang mang bầu là chính xác, đồng thời giải thích với cô cô rằng dù đang cho con bú và kinh nguyệt chưa trở lại sau sinh thì phụ nữ vẫn có thể mang thai. Lần rụng trứng đầu tiên sau sinh không nhất thiết là phải sau khi xuất hiện kinh nguyệt lần đầu, mà có thể là trước khi kinh nguyệt xuất hiện. Vì thế không ít những trường hợp phụ nữ đã bị có bầu ngoài kế hoạch dù chưa thấy kinh nguyệt trở lại sau sinh.

Sau đó, bác sĩ hỏi về lần đầu họ quan hệ sau sinh, Lin Lin nói: "Lúc đó khoảng 3 tháng sau sinh, tôi có nói chồng sử dụng bao cao su rồi nhưng anh ấy nhất định không dùng, anh ấy nói đang cho con bú không mang thai được nên tôi mới đồng ý".

Theo lời khuyên của các bác sĩ sản khoa, mẹ sau sinh nên kiêng "chuyện ấy" ít nhất 6 tuần để cơ thể hồi phục và khi quan hệ trở lại cần cực kỳ chú ý đến vấn đề tránh thai. Bà mẹ trẻ trên đây đã không có hiểu biết đầy đủ về tránh thai sau sinh và cuối cùng tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm.

Khả năng thụ thai sau sinh

Khả năng thụ thai sẽ phụ thuộc vào thời gian hành kinh trở lại ở cơ thể phụ nữ. Sau sinh vào tuần lễ thứ 6 cơ thể phụ nữ sẽ trở về bình thường. Kinh nguyệt sẽ trở lại tuỳ thuộc vào việc cho con bú hay không. Nếu phụ nữ cho con bú hoàn toàn thì kinh nguyệt sẽ xuất hiện tuần lễ thứ 6 trở đi, ngược lại nếu như không cho con bú thì kinh nguyệt sẽ trở lại vào tuần thứ 3 - 4 sau khi sinh. Ban đầu sẽ là kinh non, sau 3 tháng hành kinh vòng kinh sẽ ổn định trở lại. Lưu ý, hiện tượng trứng rụng có thể xảy ra trước khi có kinh nguyệt.

Bắt đầu có trứng rụng nghĩa là có khả năng thụ thai ngay sau khi sinh. Chính vì vậy trong giai đoạn này nếu có quan hệ tình dục thì phụ nữ cần dùng đến biện pháp tránh thai sau sinh.

Sau sinh nên sử dụng biện pháp tránh thai nào?

Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ sau sinh đang cho con bú nên dùng các biện pháp tránh thai không có hormone vì cách này sẽ không làm ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ. Một số biện pháp tránh thai không có hormone có thể kể đến như: vô kinh khi cho con bú, bao cao su, đặt vòng tránh thai. Một số biện pháp không phổ biến khác như màng ngăn âm đạo, mũ cổ tử cung, thuốc diệt tinh trùng...

Khả năng thụ thai sẽ phụ thuộc vào thời gian hành kinh trở lại ở cơ thể phụ nữ. Ảnh minh họa: Internet

Các biện pháp tránh thai sau sinh an toàn khi cho con bú

Như đã nói ở trên, các biện pháp tránh thai sau sinh khi cho con bú tốt nhất là những phương pháp tránh thai không có hormone.

1. Phương pháp vô kinh khi cho con bú

Đây là một trong những biện pháp tránh thai sau sinh được nhiều chị em áp dụng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì biện pháp cho con bú vô kinh là phương pháp tạm thời, không có hiệu quả cao, không nên khuyến cáo cho những ai dễ dàng thụ thai.

Ưu điểm của phương pháp này là: đơn giản, dễ thực hiện, không có tác dụng phụ, không mất chi phí, không ảnh hưởng đến việc quan hệ tình dục, không ảnh hưởng đến nguồn sữa cho con và cả cơ thể.

Phương pháp vô kinh cho con bú ngăn ngừa thụ thai như thế nào? Việc tiết sữa và động tác mút vú ảnh hưởng đến cách cơ thể mẹ sản xuất hormone. Cụ thể đó là ức chế các hormone FSH và GnRH (2 loại hormone kích thích sự trưởng thành của trứng dẫn đến hành kinh). Khi bé bú mẹ, cơ thể mẹ sẽ tiết ra loại hormone có tên prolactin - loại hormone này sẽ ức chế FSH và GnRh, từ đó sẽ ức chế được quá trình rụng trứng và không có kinh nguyệt xuất hiện.

Điều kiện để áp dụng phương pháp tránh thai vô kinh cho con bú thành công bao gồm:

- Con bú sữa mẹ hoàn toàn.
- Phụ nữ chưa hành kinh trở lại trong vòng 56 ngày sau sinh.
- Có con dưới 6 tháng tuổi.

Cho con bú hoàn toàn và không sử dụng bình hút sữa. Vì động tác mút sữa của bé đóng vai trò quan trọng trong biện pháp tránh thai này. Khoảng thời gian cách nhau sau mỗi lần bú ban ngày là không quá 4 tiếng và ban đêm là không quá 6 tiếng. Cho con bú bất kỳ khi nào con muốn. Cần duy trì cho bé bú mẹ ngay cả khi cả mẹ hoặc bé ốm, ngoài bú sữa mẹ trẻ không ăn uống thêm một thứ nào khác.

Cần chuyển sang biện pháp tránh thai khác nếu:

- Có kinh nguyệt trở lại (không tính lượng máu ra trong 6 tuần đầu sau sinh).
- Mẹ không cho con bú hoàn toàn hoặc đã cho bé ăn uống thêm thực phẩm bổ sung.
- Có con hơn 6 tháng tuổi.
- Sử dụng thuốc trong thời gian cho con bú.
- Khi mới phát hiện các loại bệnh nhiễm khuẩn như viêm gan do virus, HIV...

Chống chỉ định tuyệt đối với các trường hợp sau:

- Mẹ đang dùng các loại thuốc chống chỉ định khi đang cho con bú như: thuốc chống đông, chống chuyển hoá, bromocriptin, corticosteroid liều cao, ergotamin, lithium, thuốc chống trầm cảm và các loại thuốc có đồng vị phóng xạ.
- Tình trạng của bé ảnh hưởng đến việc cho bú: bé bị dị vật vùng miệng, vùng hầu - họng, bé sinh non hoặc nhỏ so với tuổi thai cần được chăm sóc đặc biệt và bé bị rối loạn tiêu hoá.

2. Đặt vòng tránh thai

Đặt vòng tránh thai là một phương pháp ngừa thai hiệu quả, hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến sữa mẹ, phù hợp với phụ nữ khi đang cho con bú.

Thời gian đặt vòng tránh thai sớm nhất là sau 6 tuần đầu tiên sau sinh. Nhưng nếu với trường hợp đẻ mổ nên chờ 6 tháng mới nên đặt. Không nên đặt vòng tránh thai quá sớm sau sinh, hãy để tử cung được phục hồi trở lại kích thước bình thường.

Nếu 3 tháng sau sinh có kinh nguyệt trở lại thì có thể đặt vòng tránh thai sau khi hết kinh nguyệt. Nếu sau sinh 3 tháng mà chưa có kinh nguyệt thì cần kiểm tra lại xem có mang thai sớm hay không. Sau đó bạn sẽ được tiêm progesterone liên tục 3 ngày để chờ xuất huyết, sau khi hết xuất huyết sẽ tiến hành đặt vòng, không được muộn quá 7 ngày.

3. Tránh thai sau sinh bằng bao cao su

Đây là biện pháp tránh thai phổ biến và hiệu quả nhất. Với phụ nữ đang cho con bú thì có thể dùng bao cao su sớm sau sinh, sử dụng ngay lần đầu tiên khi bạn quan hệ tình dục trở lại, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sữa mẹ.

Đây là biện pháp tránh thai phổ biến và hiệu quả nhất. Ảnh minh họa: Internet

Trên đây là một số biện pháp tránh thai sau sinh hiệu quả cho chị em phụ nữ, an toàn, dễ thực hiện và không ảnh hưởng đến nguồn sữa cho con. Trước khi quyết định sử dụng bất kỳ phương pháp tránh thai sau sinh nào cần có sự tư vấn kỹ từ bác sĩ.