Tôi mới vừa đọc được một bài viết của một tác giả, nói đại khái về số tiền mừng đám cưới sau 10 năm vẫn đi 500 nghìn đồng mà không để ý tới sự trượt giá của đồng tiền là khó chấp nhận được.

Ở dưới là hàng trăm bình luận, có cả ý kiến đồng tình và có cả ý kiến phản đối, nói rằng "đám cưới không nên tính toán lãi lời". Vậy tôi xin chia sẻ một góc nhìn của chính bản thân mình khi vừa mới làm chú rể cách đây ít hôm.

Do tôi và vợ cũng lớn tuổi rồi nên tự chúng chủ động đứng ra tự lo đám cưới của cả hai từ A đến Z. Hạn chế nhất có thể cho đôi đàng, một phần vì cha mẹ đôi bên đã già, một phần vì xa, còn anh chị em khác thì ai cũng đều có cuộc sống riêng hết rồi.

Đặc biệt là ngay từ đầu, chúng tôi không có quan điểm "sinh lời" trong đám cưới của mình. Thậm chí chúng tôi đã dự bị ra trước một khoản lỗ nhất định, và tự vui với điều đó bởi chủ yếu vẫn là sự hạnh phúc của hai bên.

Trước bản kế hoạch, chi tiêu dự trù trình đôi bên, thì nhiều người thân cả hai đàng cũng đã cảnh báo với tôi về chuyện lãi lỗ. Biết chúng tôi chỉ là công nhân tiền lương ít ỏi nên có người còn khuyên hẳn "tính sao cho có ít vốn mà làm ăn"... nhưng tôi và vợ chỉ cười, nói rằng cảm xúc và sự chu đáo, chỉnh chu của đám cưới thì quan trọng hơn.

Chúng tôi gộp chung hai đàng lại đãi tiệc trong một ngày cho thật ngắn gọn. Tiền cho khoản tiệc chiếm khoảng 70% chi phí đám cưới. Đám cưới ở tỉnh, nhưng chúng tôi chọn đãi ở một nhà hàng được xem tươm tất hàng đầu của khu vực. Phần nào tôi cũng muốn cho khách khứa được ăn ngon, được thoải mái.
 
Đặc biệt cho bên vợ tôi - vốn đa số là những người nông dân vùng sâu, được trải nghiệm một đám cưới trong không gian và bầu khí trang trọng nhất có thể. Tôi chọn đãi bằng bia loại tốt và giá mỗi mâm tiệc là gần bốn triệu không bao gồm bia nước. Lúc đặt cỗ, chủ nhà hàng cười bảo với tôi gần hai năm rồi mới lại có đám đãi bằng loại bia này. Vậy cuối cùng chúng tôi thu được gì?

Trong số gần 100 thiệp mời đi, cỗ đặt 13 mâm chính thức và một mâm dự bị, thì thực tế số người đi mừng đám cưới chúng tôi là gần 170 người. Thiếu mâm do có quá người địu đẽo thêm con nhỏ, thậm chí thêm cả cháu. Chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo để lo cho những phát sinh này.

Buổi tối khui thiệp, dù đã nói không đặt vấn đề lãi lỗ ngay từ đầu, nhưng chúng tôi vẫn rất chưng hửng vì những phong bì "lạ lùng" mà mình nhận được.

Trong số khoảng 100 thiệp thì có đến bốn thiệp trống (bên trong không có tiền), trong khi số ghế thực tế đến dự cho bốn thiệp này là sáu ghế, họ có đến dự nhưng không hiểu sao lại không bỏ tiền; 3 trường hợp không đến dự mà cũng không thấy gửi mừng (anh em họ); nhiều trường hợp đi hai mẹ con hoặc hai bà cháu nhưng chỉ bỏ 200 nghìn đồng; vài trường hợp đi cả một gia đình nhỏ ba người nhưng chỉ bỏ 500 nghìn đồng.

Lúc đó vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau cười... cho nên chúng tôi cũng đã hủy kỳ trăng mật do khoản dự trù lỗ của chúng tôi thực tế cũng bị tăng lên rất nhiều.

Tôi chỉ muốn nói, mọi người nên có một kiến thức cơ bản khi được mời tiệc. Vì nếu đi ăn ở ngoài thì mọi người cũng phải chia đều cho nhau, thì trong bàn tiệc cũng vậy.

Dăm ba trăm ngàn thực sự không lớn, nhưng quan trọng là cách nó xuất hiện ở thời điểm hay sự kiện nào, vì theo tôi đó còn là công cụ để phần nào mọi người tô thêm giá trị của chính mình với người khác mà thôi.