Thế nào là đái tháo đường thai kỳ?

Đái tháo đường thai kỳ là một trong những thể bệnh của đái tháo đường, chỉ xuất hiện và tồn tại trong quá trình mang thai.

Đái tháo đường thai kỳ được định nghĩa là đái tháo đường chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2 trước đó.

Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ và bé như thế nào?

Đái tháo đường thai kỳ khi không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho bà bầu cũng như thai nhi trong quá trình mang thai, sinh nở và cả cuộc sống sau này.

Ảnh hưởng đến bà bầu

- Đái tháo đường thai kỳ sẽ làm tăng khả năng bị tăng huyết áp, nâng cao nguy cơ bị tiền sản giật và sản giật của bà bầu.

- Thai chết lưu: Bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ gặp thai chết lưu với tần suất cao hơn người bình thường. Phần lớn các trường hợp thai chết lưu của người đái tháo đường thai kỳ xảy ra đột ngột. Thai hay bị chết lưu khi đường máu của người mẹ kiểm soát kém, khi thai to so với tuổi thai, thai bị đa ối và thường xảy ra vào những tuần cuối của thai kỳ.

- Đẻ non: Thai của những bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ có xu hướng to lớn hơn bình thường, chính vì vậy làm tăng nguy cơ bị đẻ non.

- Ngoài ra, bà bầu còn dễ gặp các biến chứng khác như nhiễm khuẩn tiết niệu, đa ối…

- Đái tháo đường thai kỳ thường hết sau khi sinh, nhưng cũng có những trường hợp chuyển thành đái tháo đường tuýp 2.

Thai chết lưu hoặc đẻ non là một trong những biến chứng thường gặp của đái tháo đường thai kỳ - Ảnh minh họa: Internet

Ảnh hưởng đến thai nhi

- Thai to: Bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ có mức đường máu tương đối cao. Điều này đồng nghĩa với việc thai nhi được cung cấp quá nhiều glucose khiến thai to. Thai to với phân bố mỡ chủ yếu ở vùng ngực làm tăng nguy cơ đẻ khó và tăng gặp phải những sang chấn sau đẻ như gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay…

- Hạ đường máu sau sinh những ngày đầu sau đẻ: Khi đường máu của mẹ tăng vào 3 tháng cuối cũng như tăng trong cuộc chuyển dạ sẽ làm cho đường máu của thai nhi cũng tăng dẫn đến việc kích thích tụy thai sản xuất insulin.

Sau khi sinh, nguồn đường máu của mẹ đột ngột bị cắt, trong khi nồng độ insulin trong máu em bé vẫn còn cao. Đồng thời gan trẻ sơ sinh vẫn chưa sản xuất đủ glucose dẫn đến hạ glucose máu. Thời gian hạ đường máu thường kéo dài từ 24 đến 72 giờ sau sinh.

- Tăng tỷ lệ tử vong chu sinh: Người ta nhận thấy rằng tỷ lệ tử vong chu sinh ở những trẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ cao hơn hẳn. Nguyên nhân của việc này thì chưa thực sự rõ ràng.

Những người nào dễ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ?

Thông thường có khoảng 2% - 10% số bà bầu bị mắc đái tháo đường thai kỳ. Bà bầu sẽ dễ bị bệnh này hơn nếu:

- Béo phì hoặc thừa cân trước khi mang thai

Thừa cân, béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ - Ảnh minh họa: Internet

- Có chỉ số đường máu ở mức cao (Tuy nhiên chưa đủ cao để chẩn đoán Đái tháo đường trước đây)

- Gia đình có người thân bị đái tháo đường như bố mẹ, anh chị em…

- Đã từng bị đái tháo đường thai kỳ ở những kỳ thai trước.

- Đã từng sinh em bé nặng trên 4000g

Bác sĩ Mai Ánh Điệp

Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội