Bé L.V.L. (Kim Bảng, Hà Nam) bị tổn thương da 2 ngày trước khi được cha mẹ đưa đến phòng khám Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ban đầu bé nổi vài đốm đỏ ở vùng mặt, sau đó lan đến cổ tay, vùng sinh dục gây đau rát.

Bác sĩ ở địa phương chẩn đoán bé mắc bệnh Zona, kê đơn thuốc Acyclovir bôi, uống nhưng tổn thương không đỡ mà lan ra vùng da xung quanh. Cha bệnh nhi cho biết gia đình còn hai bé cũng mắc bệnh tương tự.

Tại bệnh viện, bác sĩ Phạm Thị Mai Hương, khoa Da liễu, chẩn đoán bé L. bị viêm da tiếp xúc do nọc độc của kiến ba khoang.

Trẻ được kê đơn thuốc điều trị và theo dõi tại nhà, thuốc bôi tại chỗ. Tùy vào mức độ, giai đoạn bệnh, bác sĩ chỉ định thuốc dạng dung dịch hoặc thuốc dạng cream chứa corticosteroid, kháng sinh hoặc phối hợp cả hai.

Để phòng bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, bác sĩ Hương khuyến cáo gia đình cần thực hiện các bước sau:

- Đề phòng kiến ba khoang bay vào nhà, hạn chế mở cửa đối với nhà gần cánh đồng, nhiều cây cối, gần bóng đèn cao áp, tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, tắt bớt ánh sáng không cần thiết.

- Quần áo, khăn mặt giũ mạnh trước khi dùng, phơi quần áo trẻ không phơi mặt tiếp xúc với da ra ngoài.

- Không dùng tay trần để bắt, giết kiến ba khoang.

- Rửa vùng da ngứa rát bằng nước sạch, xà phòng hoặc nước muối loãng.

Sau khi phát hiện con tiếp xúc với kiến ba khoang, phụ huynh cần loại bỏ ngay côn trùng, không dùng tay để bắt, giết, miết. Nên thổi hoặc dùng găng tay, tờ giấy loại bỏ, rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch, xà phòng, dùng thuốc sát trùng nhẹ như povidone iodine.

Tuyệt đối không tự ý bôi, đắp gạo nếp, đậu xanh, kem đánh răng hoặc một số loại lá cây,… làm bệnh nặng thêm, gây bội nhiễm.