Cấp cứu bệnh nhân sau 1 phút kích hoạt báo động

Bà L.K.L (78 tuổi, trú tại quận Thủ Đức, TP.HCM) đang điều trị bệnh nhồi máu não tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Ngày thứ 3 sau khi điều trị ổn định nhồi máu não, bà bất ngờ có biểu hiện ngưng tim, ngưng thở. Ngay lập tức, hệ thống báo động Code Blue toàn viện đã được kích hoạt.

Chỉ sau 1 phút kích hoạt báo động Code Blue, các bác sĩ, điều dưỡng và thành viên phụ trách đã có mặt cấp cứu bệnh nhân với đầy đủ trang thiết bị và phương tiện cần thiết.

Kết quả chụp DSA mạch vành cho thấy bệnh nhân bị tắc nhánh mạch vành trái

Thời điểm này, bà L. trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ đã thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản tại chỗ, bóp bóng có hỗ trợ ôxy giúp thở.

Sau 5 phút, bệnh nhân khôi phục lại mạch, huyết áp. Tuy nhiên, kiểm tra chẩn đoán cận lâm sàng tại giường bệnh, bác sĩ phát hiện bà L. gặp phải tình trạng nhồi máu cơ tim cấp và lập tức được chuyển về phòng thông tim để ê kíp can thiệp mạch vành vào cuộc.

Điện tim phát hiện bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Sau 30 phút can thiệp mạch vành thành công, tình trạng bà L. đã ổn định, vị trí nhánh mạch tắc nghẽn được tái lưu thông, mạch huyết áp bệnh nhân ổn định trở lại. Bà được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt khoa Tim mạch để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Kích hoạt 2 hệ thống Code Blue và Code Stemi để cứu sống bệnh nhân

Code Blue là quy trình hồi sức tim phổi cho bệnh nhân ngưng tim và Code Stemi là quy trình can thiệp mạch vành cấp cứu cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim.

Bác sĩ Trần Nguyễn An Huy, Trưởng khoa nội Tim mạch bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết:

“Bệnh nhân nhập viện vì bệnh lý không phải của tim mạch nhưng vẫn xảy ra nhồi máu cơ tim khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Bệnh lý này có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi.

Bệnh nhân nội trú thường khó phát hiện do dễ chồng lắp với các triệu chứng của những bệnh lý khác”.

Bác sĩ Nguyễn Thành Vương Đức thăm khám điều trị cho bệnh nhân

Vượt qua cơn thập tử nhất sinh, gia đình bệnh nhân chia sẻ: "Ở nhà, bà không có triệu chứng gì của nhồi máu cơ tim. Nhưng khi vào viện điều trị bệnh nhồi máu não thì bất ngờ bị ngưng tim, ngưng thở. May mắn được đội ngũ các y, bác sĩ bệnh viện theo dõi thường xuyên và cấp cứu kịp thời”.

Theo BS. An Huy, việc phát hiện diễn tiến bệnh kịp thời và hoạt động của hệ thống Code Blue và Code Stemi hiệu quả với sự phối hợp của ê kip bác sĩ cấp cứu, bác sĩ nội tim mạch, bác sĩ tim mạch can thiệp và bác sĩ gây mê hồi sức đã mang lại kết quả điều trị tốt đẹp cho người bệnh.