Bà mẹ kế hà khắc

Chuyện kể rằng: Có cô bé nọ không may mẹ mất sớm, sau một thời gian người cha cô đi bước nữa. Người mẹ kế có một sạp bán trái cây, tình cảm đối với cha cô cũng tốt. Cô là một đứa bé sống lặng lẽ, ít nói, không thân thiện với mẹ kế lắm. Mẹ kế đóng học phí cho cô, giặt quần áo cho cha con cô. So với những đứa trẻ khác, cô không quá hạnh phúc, nhưng cũng sống yên ổn. Khi cô lên mười tuổi, công trường nơi cha cô đang làm việc bị sập do quá cũ, bốn người bị vùi trong đống đổ nát, trong đó có cha cô.

 

Ngày đưa quan, cô thẫn thờ bê bức di ảnh của cha, nghe những người xung quanh xì xào, đứa bé thật tội nghiệp, không biết có bị mẹ kế đuổi khỏi nhà không? Tối đó, cô mơ thấy mình quần áo rách rưới, ăn xin ở ngoài đường, lâu lâu lại bị mấy thằng choai choai chửi bới, ném đá vào người. Tỉnh lại, lần đầu tiên trong đời cô cảm thấy tột cùng sợ hãi.

Khi cô xin mẹ kế: “Hôm nay con có thể không đi học không? Con nhớ cha”. Đáp lại cô là sự lạnh lùng: “Không được! Không đi học thì cha cô sẽ sống lại được hay sao? Nếu ông ấy có sống lại cũng cho cô vài cái tát”. Rồi bà tuyên bố: “Châu Gia Ngọc, cô nhớ cho kỹ, bắt đầu từ hôm nay tôi không muốn nhìn thấy cô khóc”.

Từ đó, mẹ kế hầu như không bao giờ cười với cô, nói chuyện với cô cũng toàn nạt nộ, hoàn toàn khác xa so với lúc cha cô còn sống. Cô nghĩ, quả thật là hành vi của những bà mẹ kế. Chính giây phút đó, cô biết bắt đầu từ đây, chuyện của mình tự mình làm, đừng bao giờ trông chờ vào người khác. Mình nhất định phải mau lớn, nhanh chóng rời khỏi cái nhà này, không bao giờ trở về nữa.

Ảnh minh họa

Việc học hành, mẹ kế ra lệnh cho cô phải được hạng nhất, nếu không thì đừng hòng trở về nhà. Không còn cách nào khác, cô lao đầu vào học, học ngày học đêm. Cô chán ghét việc học nhưng cô không có quyền lựa chọn, bắt buộc phải giành được hạng nhất. Kết quả thi cuối năm cô xếp hạng ba. Mẹ kế biết, mắng: “Đúng là đồ phế vật không có chí, quỳ xuống”. Vì hai tiếng “phế vật” ấy, cô thề sẽ thi đậu đại học – trường điểm, tốt nghiệp xong cô sẽ kiếm thật nhiều tiền, sau đó sẽ đem tiền quăng vào mặt bà ta mà hỏi: “Năm xưa bà nói ai là đồ phế vật?”.

Ba năm sau, cô trúng tuyển. Dần dần, cô không cần tiền của mẹ kế gửi nữa, cô xoay xở tự kiếm tiền đóng học phí và trang trải cuộc sống. Mẹ kế chưa bao giờ gọi điện hay đến trường thăm cô. Dần dần, cô cũng dần xóa hình ảnh mẹ kế ra khỏi đầu mình.

Một lần, con trai bà gọi điện bảo cô về thăm nhà. Về đến nơi, cô không chủ động hỏi mẹ kế đi đâu, vốn dĩ nó không phải chuyện cô cần quan tâm. Rồi anh trai đưa cho cô một quyển sổ cũ. Cô nhận ra quyển sổ đó. Nó là sổ nợ của mẹ kế, chuyên dành để ghi lại ngày tháng năm nào bà mượn tiền, dùng vào việc gì. Bỗng từ trong sổ nợ rớt ra một quyển sổ tiết kiệm, cô do dự mở ra xem, phía trong ghi một số tiền lớn. Cô không ngờ, đó không phải là sổ nợ, mà là nhật ký của mẹ kế, càng không ngờ rằng mẹ kế đã qua đời, đồng thời để ngôi nhà cho anh trai, còn số tiền sang sạp trái cây để lại cho cô. Cô ngồi thụp xuống, nước mắt vỡ òa.

Mẹ kế nói: “Lão Châu à, ông yên tâm, tôi không đi bước nữa đâu, vả lại liệu có ai chấp nhận người đàn bà một nách hai con như tôi không? Tôi nhất định nuôi Gia Ngọc khôn lớn, trở thành một đứa làm nở mày nở mặt cho ông”. Mẹ kế nói: “Gia Ngọc không giành được hạng nhất, tôi phạt nó quỳ là quỳ với ông, nó không thi được hạng nhất thì người nó có lỗi nhiều nhất chính là ông”.

Mẹ kế nói: “Lão Châu à, tôi xuất thân từ nông thôn, không được học hành nhiều, tôi không biết mình dạy con như vậy có đúng không nhưng Gia Ngọc thi đậu đại học rồi, là trường điểm, nó có thể tự nuôi mình được rồi… Tôi cười rồi khóc, khóc xong lại cười, đến lúc tôi phải nghỉ ngơi, tôi mệt rồi”.

Mẹ kế nói: “Gia Ngọc, 5 tuổi con đã đến sống ở nhà ta, ta xem con như con ruột của mình, đánh con thì đánh, mắng con thì mắng, nhưng ta chỉ luôn hy vọng sau này con sẽ được nở mặt nở mày với thiên hạ, sao con không về thăm ta?”

Mẹ kế nói: “Bệnh gan của ta càng ngày càng nặng, xem ra chắc không sống được mấy ngày nữa, muốn kiếm một tấm ảnh để làm di ảnh cũng không có, mấy năm trước chỉ mải lo kiếm sống, sao không biết phải đi chụp một tấm ảnh chứ…”.

Yêu thương nảy sinh từ sự gắn bó

“Khác máu tanh lòng”, nhiều người thường sử dụng câu đúc kết này khi ám chỉ đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con nuôi, mẹ ghẻ và con chồng hay mẹ chồng và nàng dâu… Tuy nhiên đó chỉ là quan niệm của người xưa, khi xã hội còn lạc hậu với sự phân biệt vị trí sâu sắc.

Trên thực tế, tình cảm giữa con người với con người được vun đắp bằng sự quan tâm, chăm sóc hàng ngày chứ không phải chỉ đơn thuần từ yếu tố dòng máu. Câu chuyện của cô bé Châu Gia Ngọc là minh chứng rõ ràng nhất về điều này. Dù không có công sinh thành ra Gia Ngọc, cũng không được cô thực sự yêu mến mình nhưng mẹ kế vẫn dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho người con riêng của chồng. Với hiểu biết của một người phụ nữ ít học, bà chọn cách giáo dục quá hà khắc, lạnh lùng với con, thậm chí làm cho con phải “hận” vì sự “ngược đãi”. Song bà biết, chỉ có cách như vậy mới có thể giúp con tự lập, biết vươn lên để trưởng thành trong cuộc sống. Đó là điều mà cô bé Gia Ngọc vì quan niệm “mẹ kế - con chồng” không nhận ra trong thời gian dài. Để rồi khi cầm cuốn nhật ký chép lại bao tình yêu thương âm thầm của mẹ kế, cô mới nhận ra mình đã hiểu lầm, đã bị cái quan niệm người đời truyền nhau kia “đánh lừa”.

Câu chuyện trên chỉ là một ví dụ nhỏ để xua tan suy nghĩ “khác máu tanh lòng” bấy lâu nay. Trên thực tế, có rất nhiều những câu chuyện về tình cảm tốt đẹp giữa mẹ kế và con riêng mà chúng ta chưa có dịp biết tới.

Tôi từng biết có người phụ nữ sẵn sàng hiến thận cho con riêng của chồng, có bà mẹ kế nuôi 4 đứa con riêng của chồng học hành đỗ đạt… Sinh ra một đứa trẻ đã khó nhưng nuôi dưỡng nó thành người còn khó khăn, vất vả hơn gấp nhiều lần. Điều này có lẽ chỉ có những ai đã làm cha, làm mẹ mới hiểu được. Cho con ăn, cho con ngủ, dạy con học, hướng dẫn con về đạo đức, lối sống… Tất cả những việc làm đó khiến tình cảm giữa cha mẹ và con cái xích lại gần nhau hơn. Những đứa trẻ vì thế cũng trở nên kính trọng và biết ơn cha mẹ hơn. Chính vì vậy mà khi một đứa trẻ phải đứng trước người mẹ “mang nặng đẻ đau” 9 tháng và một người mẹ nuôi dưỡng 20 năm, tôi dám chắc cô bé/ cậu bé ấy sẽ không khó để lựa chọn.

Điều đáng buồn là đến nay, nhiều người vẫn giữ suy nghĩ “dì ghẻ - con chồng”, “khác máu tanh lòng” để rồi bỏ lỡ cơ hội được yêu thương hoặc làm tổn thương người khác. Cũng giống như nhân vật Gia Ngọc trong câu chuyện trên, những đứa trẻ khi đứng trước người mẹ kế thường có cảm giác xa cách, sợ hãi, thậm chí căm ghét. Cảm giác đó sẽ biến thành bức tường ngăn cách lớn nếu người mẹ không biết cách hóa giải. Nhưng nếu tình yêu của người sinh thành được hình thành từ bản năng thì tình yêu của người nuôi dưỡng hình thành từ sự gắn bó. Chúng ta hãy nghĩ về quy luật đó để cởi mở hơn với những người xung quanh mình.

“Công sinh không bằng công dưỡng”, người nào nuôi lớn ta, dạy dỗ ta thành người, dành cho ta tình cảm…, người đó xứng đáng để ta trân trọng và biết ơn.