Cuộc sống tạm bợ trên khu “đất vàng”

Khu tập thể của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) có địa chỉ số 33 Nguyễn Du và số 34 - 36 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Đây là nơi ở nhiều năm của 34 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu. Họ là nhưng cán bộ, nhân viên tại Vinafood 2 từ sau năm 1975.

Theo quan sát của phóng viên, Khu tập thể Vinafood 2 hiện được bao bọc bởi bức tường cũ nghiêng ngã, có thể bị sập bất cứ lúc nào. Khu vực đã được UBND phường Bến Nghé gắn các biển cảnh báo người đi bộ tránh lại gần vì tường dễ đổ.

Bên trong bức tường bao bọc là những căn hộ cũ. Nhiều căn còn được người dân che chắn tạm bợ, mái tôn xếp chồng lên nhau. Thậm chí người dân còn dùng những vật dụng nặng đặt trên mái nhà để phòng tránh gió mạnh làm lật mái, hoặc giăng những tấm bạt nhằm che chắn mưa nắng.

Khu dân cư “già nua” không được tu sửa, nay đã xuống cấp trầm trọng

Mùa nắng thì không sao nhưng đến khi mưa xuống thì dân ở đây sống cực lắm. Mỗi lần mưa là nước ào ào tràn vào nhà. Không những thế, nước từ trên trần nhà đổ xuống, dột tứ bề, trong nhà như bãi chiến trường, phải huy động xô, thau để hứng. Có những hôm mưa to nước còn thấm vào tường chảy lênh láng xuống nền nhà.

Vậy nhưng, xin sửa chữa thì chính quyền không cho, bảo phải giữ nguyên hiện trạng”, bà Trần Bạch Huệ người đã sống tại Khu tập thể Vinafood 2 45 năm chia sẻ.

Đây không chỉ là tình trạng riêng của gia đình bà Huệ mà còn là nỗi khổ chung của 34 hộ dân sinh sống tại khu tập thể này.

Nhiều năm nay, nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng, các hộ gia đình đang phải sinh sống trong những căn hộ chật chội có diện tích hơn 10m2. Một số hộ dân ở đây đã nhiều lần lên phường Bến Nghé xin phép sửa chữa nhà nhưng không được vì khu đất này đang bị thanh tra.

Mái tôn chồng tôn mục nát, phải kê thêm các vật nặng để tránh gió mạnh lật

Ngôi biệt thự lâu năm không được tu sửa đã xuống cấp

Mong ngóng giá đền bù hợp lý

Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa - một người dân sinh sống tại đây cho biết: “Thực ra không ai muốn bám trụ và sống cuộc đời tạm bợ, thậm chí nguy hiểm như thế này.

Năm 2017, phía công ty cử người thương lượng giá đền bù là 68 tỷ đồng cho hơn 6.000 m2 tương đương là 10 triệu/m2. Mức giá này quá thấp cư dân không đồng ý.

Sau đó, bên phía Công ty Việt Hân đưa ra mức giá khoảng 105 triệu đồng/m2 chỉ áp dụng cho những căn hộ gần mặt đường, chứ những căn hộ trên tầng hoặc vào sâu bên trong thì giá chỉ còn 80 – 90 triệu đồng/m2. Thực tế giá đất theo thị trường tại khu vực này đã hơn 400 triệu đồng/m2.

Với giá đền bù đó thì chúng tôi chỉ có thể mua nhà ở Hooc Môn hoặc Củ Chi”.

Theo kết luận thanh tra số 2099/BC-TTCP ngày 2/12/2020 của Tổng Thanh tra Chính phủ, từ năm 2007, Vinafood 2 có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại các địa chỉ trên trở thành dự án khách sạn, văn phòng và thương mại.

Đến năm 2015, Vinafood 2 có chủ trương liên kết Công ty TNHH thương mại - quảng cáo - xây dựng địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) cùng khai thác mặt bằng.

Ngày 12/11/2015, Vinafood 2 ký hợp đồng hợp tác với Công ty Việt Hân thành lập Công ty TNHH thương mại - xây dựng - dịch vụ Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án tại 4 khu đất này (số 33 Nguyễn Du và số 34 - 36 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).

Theo đó, Công ty Việt Hân góp vốn 640 tỷ đồng vào Công ty Việt Hân Sài Gòn (chiếm 80% vốn), Vinafood 2 đóng góp 160 tỷ đồng (20% còn lại) bằng giá trị tài sản trên đất và một phần giá trị quyền sử dụng đất các khu đất nói trên. Tổng giá trị các khu đất được xác định là 730 tỷ đồng.

Ngày 25/11/2015, Vinafood 2 bán 4 khu đất này cho Công ty Việt Hân Sài Gòn. Đại diện Công ty Việt Hân Sài Gòn dùng chính số tiền góp vốn điều lệ tại công ty này trả cho Vinafood 2 (570 tỷ đồng là tiền tính từ giá trị quyền sử dụng 4 khu đất sau khi trừ 160 tỷ đồng góp vốn của Vinafood 2). Sau đó, Vinafood 2 chuyển nhượng phần vốn 160 tỷ đồng tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty Việt Hân. Thương vụ chuyển nhượng 4 khu đất công cho tư nhân hoàn tất.

Phía Công ty Vinafood 2 và Công ty Việt Hân nhiều lần đưa ra mức giá đền bù nhưng vẫn không thể đi đến thống nhất với người dân.

Dù giá đất là hơn 400 triệu đồng/m2 nhưng giá đền bù chỉ hơn 100 triệu đồng/m2

Từ khi Vinafood 2 có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất (2007) thì  người dân nơi đây phải chịu cảnh sống chờ đợi trong những căn hộ chật hẹp, xuống cấp ngay nơi sầm uất nhất TP.HCM.

Người dân hiện mong ngóng chính phủ giải quyết sự việc để có thể nhận được mức giá đền bù hợp lý, tìm nơi an cư, chúng tôi giờ chỉ mong nhận mức giá đền bù đúng với giá thị trường để nhanh chóng sống yên ổn. Chúng tôi sống gần 50 năm tại đây, nên chỉ mong có chỗ ở gần khu vực này vì đã quen với môi trường. Chỗ ở đã quá xuống cấp, nhiều đêm mưa gió không giám ngủ vì nhà dột hết cả”, bà Hoa trầm tư.

Kết luận số 2099/BC-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ ngày 2/12/2020 gửi Thủ tướng để báo cáo kết quả kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về sai phạm tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, cùng việc khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án.

4 lô đất này năm 2008 được UBND thành phố phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất hơn 643 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra ước tính tiền sử dụng đất của 4 khu đất vào năm 2015 hơn 1.979 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ xác định quá trình hợp tác triển khai dự án, Vinafood 2 đã bốn lần cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Doanh nghiệp này đã không lập phương án xử lý 4 cơ sở nhà đất theo Quyết định 09/2007 về sắp xếp đất công thuộc sở hữu nhà nước trình cấp thẩm quyền và Thủ tướng quyết định.

Vinafood 2 tự ý hợp tác Công ty Việt Hân, không lập thủ tục liên kết, góp vốn trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính thẩm định trước khi báo cáo Thủ tướng.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhiều lần có văn bản hướng dẫn, yêu cầu Vinafood 2 xây dựng phương án thoái vốn tại Công ty Việt Hân Sài Gòn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tổng công ty không chấp hành.

Sau khi bán xong 4 cơ sở nhà đất, nhận đủ tiền đất từ Công ty Việt Hân, Vinafood 2 mới báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chấp thuận triển khai nhanh việc xử lý các cơ sở nhà đất tại 4 lô đất nhằm khắc phục thua lỗ trong kinh doanh.

Vinafood 2 cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng khi không thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ, di dời 34 hộ dân sống tại các cơ sở nhà đất 33 Nguyễn Du, 34-36 Chu Mạnh Trinh trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng xác định Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng tại 4 lô đất trên để thế chấp ngân hàng vay hàng nghìn tỷ đồng trái luật.

Cụ thể, Vinafood 2 dùng giấy chứng nhận quyền vay 518 tỷ đồng từ ngân hàng trả nợ cho các công ty con. Công ty Việt Hân Sài Gòn sau khi mua lại 4 cơ sở nhà đất đã lập dự án khống có tên The Goldmark Preminum Tower trên những khu đất vay ngân hàng hơn 6.300 tỷ đồng.

Từ các sai phạm nghiêm trọng nói trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP.HCM trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý và khắc phục hậu quả.

Thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 4 khu đất rộng gần 6.300 m2 để quản lý, khai thác, sử dụng đúng pháp luật.

Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước thanh tra toàn diện các khoản vay liên quan 4 khu đất, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm…