Cứ dùng ớt theo cách này sớm muộn cũng hỏng dạ dày, thậm chí rước ung thư mà không biết
Có lẽ trong số những loại gia vị có trong gian bếp mỗi gia đình, ớt được xem là đặc biệt nhất. Nếu như hành, tỏi hay các loại rau gia vị thông thường, khi sử dụng có thể tùy theo sở thích để chế biến cùng thực phẩm nhưng ớt lại hoàn toàn khác, tuyệt đối không không được ăn nhiều.
Dù không nên dùng nhiều, nhưng đây lại là loại gia vị dường như không thể thiếu trong mâm cơm hàng ngày. Ví dụ trong mâm cơm nếu có bát nước chấm thì chắc hẳn gia đình nào cũng phải có vài lát ớt mỏng.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn – Chuyên gia dinh dưỡng, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, dù quả ớt nhỏ nhưng nó lại có nguồn vitamin vô cùng phong phú. Một quả ớt nhỏ chứa lượng rất dồi dào vitamin như: A, B, C, E, vitamin K, axit folic carotene và các vitamin khác. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều canxi, sắt, các chất khoáng và chất xơ khác.
“Dù ớt chứa nhiều vitamin nhưng không nên ăn nhiều vì sẽ gây nên những tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe”, TS Sơn khuyến cáo. Một trong số các tác dụng phụ được nhiều người nhắc đến nhiều nhất khi ăn ớt đó là tình trạng gây đau dạ dày. Về vấn đề này, TS Sơn cho rằng mọi người cần phải hiểu chính xác và thấu đáo vấn đề.
Theo TS Sơn, ớt không phải là tác nhân gây đau dạ dày, nhưng ớt là yếu tố tăng nguy cơ xuất hiện nhiều hơn các cơn đau. Khi ăn cay nhiều sẽ làm gây hại cho niêm mạc dạ dày, đặc biệt là đối với những người đang bị viêm loét dạ dày. Đồng thời, ăn ớt quá nhiều cũng ảnh hưởng đến men tiêu hóa trong dạ dày gây ra hiện tượng khó tiêu.
Các triệu chứng có thể xuất hiện khi ăn nhiều ớt như đau nóng rát dạ dày, trào ngược dịch vị, viêm dạ dày, nôn ói, ợ chua. Ớt cay cũng có thể là nguyên nhân làm khởi phát cơn đau của bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng ở những người có bệnh trước đó.
Khi sử dụng ớt, tiến sĩ Trương Hồng Sơn khuyên mọi người tốt nhất nên sử dụng ớt tươi và cắt ra sử dụng trong ngày. Tuy nhiên, nhiều người hiện nay có thói quen dùng và lạm dụng ớt khô, ớt bột. Đây là loại rất dễ bị hỏng do điều kiện thời tiết nóng ẩm thất thường. Ngoài ra, khi sản xuất ớt khô, ớt bột không ít cơ sở còn trộn thêm cả chất phụ gia, chất bảo quản không đúng quy định. Bởi vậy, nguy cơ gây hại cho sức khỏe là rất lớn.
“Ớt khô, ớt bột không bảo quản tốt bị sẽ bị nấm mốc, nếu sử dụng sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là hệ thống tiêu hóa, gan, thận. Các nghiên cứu cũng chỉ ra nấm mốc là tác nhân có thể gây ung thư. Vì thế, tôi khuyến cáo người dân nên dùng ớt tươi, không nên dùng các loại ớt chế biến sẵn”, tiến sĩ Sơn đưa ra lời khuyên.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, một số người không nên ăn ớt như phụ nữ có thai, đang cho con bú vì có nguy cơ tăng tình trạng dị ứng ở trẻ sau này. Ngoài ra, một số người mắc bệnh trĩ, đau mắt đỏ, kích ứng da, viêm loét dạ dày… không nên dùng ớt. “Kể cả những người khỏe mạnh cũng chỉ nên sử dụng lượng vừa đủ, không lạm dụng”, TS Sơn nhắc lại.
Thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, lâu nay mọi người vẫn nghĩ ớt chỉ là loại gia vị đơn thuần, nhưng thực tế không phải vậy, đây còn là vị thuốc được sử dụng nhiều trong đông y. Lương y Trung chia sẻ, trong đông y, quả ớt có vị cay, tính nóng có tác dụng tán hàn, kiện tỳ, tiêu thực, chỉ thống (giảm đau)…, rễ ớt có tác dụng làm hoạt huyết, tán thũng. Lá ớt có vị đắng, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu.
Trong dân gian ta thường dùng ớt để chữa tiêu chảy, nôn mửa, dạ dày ruột đầy trướng, mất trương lực, tích trệ, ăn không tiêu, đau nhức nửa đầu, đau lưng, đau khớp, thống phong, đau dây thần kinh, viêm thanh quản, viêm họng. Không chỉ chữa bệnh cho người lớn, ớt còn được dùng để chữa bệnh cho trẻ nhỏ.
Một số bài thuốc trong đông y hỗ trợ điều trị từ vị ớt:
- Chữa đau lưng, thấp khớp, đau dây thần kinh: Quả ớt giã nát, ngâm rượu với tỷ lệ 1/2 (một phần ớt tươi, 2 phần rượu) dùng xoa bóp. Có thể lấy hạt ớt phơi khô, tán bột viên làm cao dán (dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác)…
- Chữa rắn rết cắn, côn trùng đốt: Ớt tươi 15 quả, lá đu đủ 3 lá, rễ ớt chỉ thiên 80g, tất cả giã nát, thêm nước, gạn nước uống, bã dùng đắp lên vết cắn. Nếu là rết và côn trùng đốt dùng lượng ít hơn. Có thể dùng riêng lá ớt tươi lượng vừa đủ giã nát, đắp vào vết cắn. Sau 15-30 phút nếu còn đau nhức làm thêm lần nữa.
- Chữa đau dạ dày do lạnh: Ớt trái 1-2 quả, nghệ vàng 20g, tán bột uống ngày 2-3 lần.
- Chữa tiêu chảy: Quả dùng uống trong với liều thấp (để tránh gây nôn mửa, ỉa chảy, viêm dạ dày và thận). Có thể dùng bột ớt 0,03g - 1g/ngày dùng để nấu vào món ăn.
Lương y Vũ Quốc Trung lưu ý cách ăn ớt có lợi cho sức khỏe đó là: Dùng ớt như một loại gia vị, có thể xay, ngâm với tỏi, hoặc để ăn tươi bởi vì các chất dinh dưỡng sẽ được thêm vào phong phú hơn. Tuy nhiên, tốt nhất là nấu chín ớt để ăn thì sẽ đỡ cay hơn, kích thích tiêu hóa của ớt sẽ giảm.
Bánh mì: Món ăn ngon của mọi người nhưng có tác hại khó lường nếu ăn sai cách
Bánh mì ngon, bổ, rẻ là sự lựa chọn tuyệt vời của nhiều người cho bữa sáng bận rộn. Thế...
Học người Hàn làm thức uống hỗ trợ tiêu hóa cho mọi dịp chỉ với 2 nguyên liệu quen thuộc
Trà gừng quế là thức uống dễ làm, không chỉ tốt cho đường tiêu hóa mà còn giúp tăng sức...
Cách nấu cari dê Ấn Độ siêu ngon, càng ăn càng thèm
Cari dê Ấn Độ có mùi vị đậm đà kèm theo vị béo của nước cốt dừa, thêm chút cay...
Giảm axit uric bằng 6 loại thực phẩm này
Chế độ ăn hoàn hảo để giảm axit uric bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và một...