Tàu MD-SUN chở 19 thuyền viên, đang neo đậu tại phao số 5, Phước Long, Nhà Bè. Ba người trong số thuyền viên được Bộ Y tế ghi nhận mắc Covid-19 sau nhập cảnh cách ly ngay, vài ngày trước. 74 trường hợp liên quan nhóm thuyền viên đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cách ly tập trung. Đến sáng 10/5, tất cả họ có kết quả xét nghiệm lần một âm tính nCoV.

Theo HCDC, bên cạnh điều tra, truy vết các trường hợp liên quan, bao gồm người lên tàu và không lên tàu, lực lượng chức năng cũng đang điều tra trong quá trình neo đậu, có thuyền viên nào lên bờ hoặc người từ trên bờ xuống tàu, tiếp cận tàu bất hợp pháp, nhằm truy vết đầy đủ, không bỏ sót.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng ổ dịch tàu MD-SUN chưa phát hiện lây nhiễm ra cộng đồng, nhưng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng không nhỏ. Lý do là một số thuyền viên không lên bờ nên không được xét nghiệm nCoV. Trong khi đó nhiều người từ trên bờ xuống tàu làm việc mà không trang bị đồ bảo hộ, do đó dễ bị lây nhiễm.

TP HCM có gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, nhận định nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các tàu thủy quốc tế neo đậu tại các cảng hàng hải cũng tương tự máy bay quốc tế tại các cảng hàng không. Tàu đi qua các hải cảng quốc tế, neo đậu tại bến cảng hoặc phao, những thuyền viên có thể mắc Covid-19 trong hải trình quốc tế.

Theo bác sĩ Dũng, so với công tác chặn dịch qua đường hàng không, đường bộ, việc quản lý, kiểm soát các phương tiện trên đường thủy, nhất là các tàu neo đậu ngoài phao (giữa sông, giữa biển) gặp nhiều trở ngại hơn.

"Việc kiểm soát người tiếp cận các tàu neo đậu ngoài phao là vô cùng khó khăn do điều kiện làm việc trên biển, trên sông nước khác xa với quản lý trên bờ. Hiểu theo một cách nào đó, người từ trên bờ xuống tàu và thuyền viên từ tàu lên bờ bất hợp pháp chính là 'xuất, nhập cảnh trái phép'", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Bác sĩ TP HCM leo thang dây lên tàu neo tại phao số 0 để kiểm dịch y tế, tháng 3/2020. Ảnh: Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TP HCM.

Từ khi khởi phát Covid-19 vào năm ngoái, tại các hải cảng Việt Nam, tàu quốc tế được xem là có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng nên phải cách ly hoàn toàn với đất liền. Người trên tàu không được lên bờ trừ trường hợp được cho phép như kết thúc hợp đồng làm việc, cần điều trị bệnh... Tất cả đều phải thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch như đối với người nhập cảnh gồm cách ly tập trung, xét nghiệm.

Một số người làm việc tại cảng bắt buộc phải lên tàu để làm việc như hoa tiêu, nhân viên điều độ, công nhân bốc dỡ hàng, giám định, sửa máy ... Các trường hợp này đều phải được Bộ đội biên phòng cho phép mới được xuống tàu làm việc. Họ phải được trang bị phòng hộ, không tiếp xúc và chỉ tiếp xúc với thuyền viên trên tàu trong những trường hợp thật cần thiết và giữ khoảng cách theo quy định.

Trong thời gian qua, các bộ phận liên quan từ cơ quan Cảng vụ hàng hải, cơ quan chủ quản các cảng, Bộ đội biên phòng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các Trung tâm Y tế quận, huyện đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp phòng dịch tại các cảng hàng hải. TP HCM đã ghi nhận một số trường hợp thuyền viên mắc Covid-19, chưa có trường hợp nào lây nhiễm ra cộng đồng.

TP HCM đang xem xét điều chuyển một số lượng vaccine để tiêm phòng cho các nhân viên bắt buộc phải lên tàu và có tiếp xúc với thuyền viên như nhân viên hoa tiêu, nhân viên điều độ. Tăng cường giám sát bằng camera trong quá trình tàu neo đậu tại cảng, tại phao, không để xảy ra tình trạng xuống tàu hoặc lên bờ bất hợp pháp.

Ngành y tế cũng triển khai xét nghiệm thuyền viên, nhất là các tàu đến từ các quốc gia nguy cơ hoặc có nhiều hoạt động nguy cơ trong quá trình neo đậu.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC (áo sơ mi kẻ ở bìa trái) kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cảng Cát Lái, ngày 6/5. Ảnh: HCDC.

HCDC khuyến cáo người thân, người nhà thuyền viên, người dân không tự ý tìm cách lên tàu bất hợp pháp. Người làm nhiệm vụ khi được phép lên tàu cần hiểu những nguy cơ và tự giác tuân thủ các biện pháp phòng bệnh. Người dân cùng tham gia giám sát các trường hợp vi phạm, thông tin cho cơ quan chức năng ngay khi phát hiện để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.