Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 19/8 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

Liên tục cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM ngày 19/8.

Ngày 18/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, đã 4 ngày thành phố không phát sinh thêm ổ dịch mới và hiện chỉ còn 17 ổ dịch đang diễn tiến.

Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố đang điều trị cho 32.667 bệnh nhân, trong đó có 1.978 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.256 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Thành phố cũng có 44.478 người đang bị F0 được cách ly, theo dõi tại nhà, trong đó có 17.904 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 26.574 trường hợp F0 sau khi xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.302 người.

Thông tin về công tác chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19, bao gồm triển khai gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho F0 và cấp cứu và điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Thành phố đang thực hiện hai trụ cột, trụ cột thứ nhất là áp dụng gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà đối với người mắc COVID-19 (F0) mới được phát hiện tại cộng đồng đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định, trụ cột thứ hai là cấp cứu và điều trị các bệnh viện của thành phố.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho hay, Thành phố cũng đang tăng quy mô giường có oxy và các trang thiết bị y tế tại các bệnh viện ở tầng 2; triển khai nâng cao năng lực tiếp nhận cuộc gọi và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu; triển khai thêm các thuốc điều trị đặc hiệu kháng virus SARS-CoV-2 tại các bệnh viện tầng 2 và 3 (thuốc Remdisivir).

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố chỉ còn 17 ổ dịch đang diễn tiến. Đặc biệt, 4 ngày qua Thành phố không phát sinh ổ dịch mới cần theo dõi. Về kết quả lấy mẫu, hiện còn 6.471 mẫu chưa có kết quả, trong đó có 6.056 mẫu đơn và 415 mẫu gộp.

TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh lý giải nguyên nhân số ca mắc trong cộng đồng tăng

Theo dự báo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ ngày 15/8- 22/8, số ca F0 có thể tăng nhẹ. Nguyên nhân, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các trường hợp F0.

Với số ca F0 mới tăng trong những qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, qua phân tích số ca mắc trong tuần từ 13/8 đến 17/8 cho thấy, số ca mắc mới chưa có sự biến động rõ rệt. Chỉ có hiện tượng tăng nhẹ vào 2 ngày 14/8 và 15/8 dao động từ 4.200 - 4.500, sau đó giảm nhẹ trở lại vào ngày 16/8 và 17/8 dao động từ 3.300 - 3.500. Số trường hợp F0 mới có triệu chứng cần phải nhập viện điều trị có sự tăng nhẹ vào 2 ngày 15/8 và 16/8 dao động từ 2.900 - 3.000.

Với mục tiêu thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời người bệnh COVID-19 để điều trị, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” và mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn, từ ngày 15/8 đến 22/8 là giai đoạn TP Hồ Chí Minh giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỉ lệ nhiễm cao.

Theo đó, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh dự báo số ca F0 có thể tăng nhẹ trong giai đoạn này do tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các trường hợp F0. Cụ thể, ngày 17/8 đã có 1.435 trường hợp F0 phát hiện trong cộng đồng.

Dự báo số ca F0 có thể tăng nhẹ do tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc F0.

TP.HCM đề xuất chi gần 54 tỷ đồng mua thuốc cho F0 cách ly tại nhà

Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về cung ứng thuốc cho người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Sở Y tế cho biết, số ca F0 hiện tại và dự kiến trong một tháng tới là hơn 182.400 ca, do đó, ngành y tế cần cung ứng số túi thuốc tương đương. Kinh phí ước tính trên 53,8 tỷ đồng (295.246 đồng/túi thuốc).

Cụ thể, danh mục thuốc điều trị F0 tại nhà được thống kê gồm: Paracetamol 500mg; vitamin (đa sinh tố, vitamin C), Methylprednisolone 16mg (1) hoặc Dexamethasone 0,5mg hoặc Prednisolone 110mg; Rivaroxaban 10 mg (2) hoặc Apixaban 2,5 mg hoặc Dabigatran 110mg.

Riêng thuốc số (1) và số (2) không sử dụng cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú; người mắc một trong các bệnh: Viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu, các bệnh lý dễ gây chảy máu khác.

Mỗi túi thuốc gồm 4 loại thuốc, dùng cho 7 ngày. Phòng Nghiệp vụ Dược đề xuất thành phố hai phương án mua thuốc.

Nếu kinh phí từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp thì giao công ty tài trợ mua thuốc theo cơ số đề xuất. Phòng Nghiệp vụ Dược hỗ trợ thông tin về nhà cung cấp theo đúng quy định.

Nếu kinh phí từ ngân sách phòng, chống dịch thì giao Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức mua sắm thuốc theo quy định, phân chia thành túi thuốc để giao trung tâm y tế các địa phương, phân phát cho F0 trên địa bàn.

Do nhà phân phối không thể đáp ứng cùng một lúc số lượng lớn, nên dự kiến thuốc sẽ được cung cấp theo đợt. Đợt 1 giao ngay 30.000 túi thuốc. Sau đó, mỗi đợt giao 50.000 túi cho đến khu đủ nhu cầu thực tế của các đơn vị.

Thuốc Paracetamol.

TP.HCM đặt mua thêm 100 tấn oxy lỏng cung cấp cho bệnh nhân COVID-19

UBND TP.HCM vừa có công văn về việc bổ sung hệ thống bồn oxy tại các bệnh viện trong thành phố để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Theo đó, TP.HCM đặt mua thêm 10 bồn oxy lỏng (mỗi bồn 10 tấn), 10.000 chai oxy thể tích 40 lít để sẵn sàng cung cấp cho bệnh nhân COVID-19.

Thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp đầu tư, tăng cường lắp đặt hệ thống oxy cho các giường điều trị bệnh nhân COVID-19 đảm bảo quy mô 15.000 giường có gọng thở oxy trước 23/8. Ban cũng cần tăng cường và rà soát camera để kiểm tra, giám sát giường bệnh.

UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính làm việc với các đơn vị cung cấp oxy, gồm: Công ty TNHH Oxy Đồng Nai; Công ty Cổ phần Hơi kỹ nghệ que hàn - Sovigaz; Công ty Cổ phần Nippon Sanso Việt Nam; Công ty TNHH Air Liquide Việt Nam.

Mục tiêu là thống nhất cam kết thực hiện hợp đồng cung cấp oxy cho các bệnh viện điều trị COVID-19, không để tình trạng thiếu oxy do không cung ứng kịp thời theo yêu cầu điều trị. Trường hợp không thực hiện đúng cam kết phải có biện pháp xử lý.

Thành phố thống nhất chủ trương sử dụng bồn oxy lỏng dung tích lớn do Công ty TNHH Oxy Đồng Nai cung cấp (ngoài các bồn oxy lỏng 1 tấn đã lắp đặt).

TP.HCM đảm bảo cung ứng đủ hệ thống oxy cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh VNE

Phân công các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn Covid-19 theo địa bàn tại TP HCM

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến trên phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM trong việc điều phối chuyển tuyến kịp thời và phù hợp người bệnh Covid-19.

Tối 18/8, Bộ Y tế đã có quyết định phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 theo địa bàn các quận, huyện, TP tại TP HCM.

Quyết định do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký, phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 theo các địa bàn quận, huyện, TP tại TP HCM như sau:

1. Bệnh viện Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP Thủ Đức) do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách: Hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh.

2. Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM: Phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở y tế của quận 1, quận 3, quận 5 và quận 11.

3. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 - Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13): Phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở y tế của huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.

4. Bệnh viện Bạch Mai (Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh điều trị Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 16): Hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ.

5. Bệnh viện Trung ương Huế (Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế, đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 14): Phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của quận 10, quận 12, quận Tân Phú, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn.

6. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM: Phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của quận 4, quận 6 và quận Gò Vấp.

7. Bệnh viện Thống Nhất: Phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của quận Phú Nhuận và quận Tân Bình.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến trên theo phân công chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ: Khảo sát đánh giá, tổ chức thu dung điều trị, các điều kiện hiện có về cơ sở giường bệnh, hệ thống oxy, trang thiết bị, thuốc, vật tư, nhân lực của các bệnh viện quận, huyện, TP để xác định những khó khăn, bất cập; đề xuất với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP HCM để chỉ đạo và hỗ trợ khắc phục.

- Cử cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn chuyên môn tại chỗ, hội chẩn từ xa, tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực và giám sát chất lượng về cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 cho các quận, huyện, TP.

- Tổ chức giao ban hằng ngày để rút kinh nghiệm điều trị giữa bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến quận, huyện, TP được phân công.

- Phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM trong việc điều phối chuyển tuyến kịp thời và phù hợp người bệnh Covid-19.

- Hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực cho các quận, huyện, TP trong thực hiện quản lý, điều trị người nghi nhiễm và nhiễm SARS-CoV-2 được quản lý và điều trị tại nhà.

Nhà hảo tâm cung cấp những suất quà nhu yếu phẩm đến với người dân khu vực phong tỏa tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức (Ảnh: Lê Phong).

TP.HCM ghi nhận thêm 3.731 ca nhiễm mới

Trong ngày 18/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.731 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 159.917 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Hiện thành phố đang điều trị 32.667 bệnh nhân, trong đó: có 1.978 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.256 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 78.150 bệnh nhân. Có 255 trường hợp tử vong trong ngày 18/8.

Ngày 17/8, Bộ Y tế đã có quyết định xuất, cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir cho các tỉnh phía Nam đang điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và TP.HCM được cấp nhiều nhất với 13.000 lọ. Trước đó, ngày 8/8, lô thuốc Remdesivir đầu tiên gồm 10.000 lọ cũng được đưa vào điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM. Thuốc Remdesivir được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 nặng, có SpO2 từ 94% trở xuống, bệnh nhân thở máy, điều trị ECMO (tim, phổi nhân tạo), bệnh nhân cần oxy.

TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xem xét hỗ trợ cho Thành phố với số tiền hơn 27.968 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo để chăm lo cho người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tránh tình trạng rời TP.HCM sang các tỉnh khác hoặc về quê tránh dịch.

Theo đó, số tiền và gạo này dùng để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ và lương thực cho người lao động nghèo trong thời gian Thành phố thực hiện Chỉ thị 16 với mức tiền ăn 50.000 đồng/hộ/ngày, tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng và gạo 15 kg/người.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất các trường trên địa bàn Thành phố không tổ chức tựu trường, khai giảng năm học 2021- 2022 và phải tổ chức dạy học trên môi trường internet. Các trường THCS, THPT sẽ hướng dẫn phương pháp học trên internet từ ngày 1 đến 5/9 và học chương trình mới từ ngày 6/9. Bậc tiểu học sẽ hướng dẫn phương pháp học tập trên internet từ ngày 8 đến 19.9 và học chương trình mới từ ngày 20/9. Riêng các trường mầm non sẽ khai giảng chậm hơn, khi tình hình dịch được kiểm soát.

Để kiểm soát dịch bệnh, phấn đấu đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới trước ngày 15/9, TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó” và đẩy mạnh phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh”, phát triển “vùng xanh”. Thành phố kêu gọi sự đồng lòng, chung sức của người dân trong việc thực hiện nghiêm quy định của Chỉ thị 16, thông điệp 5K, giãn cách giữa người với người và đồng ý tiêm vắc-xin ngay khi đến lượt. Đồng thời học cách tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe bản thân khi là F0, F1 cách ly tại nhà từ các nguồn thông tin chính thống.