Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, tiếp tục ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm nCoV mới trong vòng 24 giờ. Tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại nước này hiện nay là 17.988.637 và 201.165, tăng lần lượt 362.902 và 3.285, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers. Tình hình đại dịch tại Ấn Độ đang là tâm điểm chú ý của toàn thế giới.

"Đợt bùng phát hiện tại vô cùng nguy hiểm và dễ lây lan. Các bệnh viện đang quá tải", Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal cho biết, nói thêm rằng một khu vực công cộng rộng lớn tại thủ đô sẽ được chuyển đổi thành bệnh viện chăm sóc những ca nguy kịch, trong bối cảnh các bệnh nhân Covid-19 đang phải dùng chung bình oxy vì tình trạng thiếu thốn.

Thủ đô New Delhi cùng bang Karnataka phía nam và Maharashtra, bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đang bị phong tỏa. Tuy nhiên, những cuộc bầu cử địa phương và sự kiện tụ tập đông người, như lễ hội Kumbh Mela tại thành phố Haridwar hay lễ hành hương Amarnath ở vùng Kashmir, có thể khiến tình hình thêm tồi tệ.

Các nguồn cung y tế quan trọng bắt đầu đến Ấn Độ từ hôm 27/4, trong đó có chuyến hàng gồm 100 máy thở và 95 máy tạo oxy từ Anh. Pháp, Ireland, Đức và Australia cũng đang đưa máy thở và máy tạo oxy tới.

Một khu hỏa táng bệnh nhân Covid-19 tại thành phố Allahabad, Ấn Độ, hôm 27/4. Ảnh: AFP.

Trong khi đó tại Philippines, tiến sĩ Rodrigo Ong, chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu độc lập OCTA chuyên dự báo về xu hướng lây lan của Covid-19, cho biết nước này đang "ở nút giao" với khoảng 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và giới chức quyết định gỡ các biện pháp hạn chế, bởi đánh giá virus đã được kiểm soát, điều Ấn Độ từng trải qua.

Ông nhận định dịch bệnh ở Philippines đang trong "thế cân bằng mong manh", với hơn 80% giường bệnh của đất nước đã được sử dụng. "Khả năng các biện pháp hạn chế được nới lỏng hơn có thể khiến năng lực chăm sóc y tế hoàn toàn bị quá tải", chuyên gia cho hay.

Bộ Y tế Philippines hôm 27/4 báo cáo thêm 7.204 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.013.618, trong đó 16.916 người đã chết, tăng 63 trường hợp. Dù số ca nhiễm mới thấp hơn mức 15.310 được ghi nhận hôm 2/4, OCTA vẫn kêu gọi Philippines duy trì hạn chế để tỷ lệ này có thể giảm hơn nữa, đặc biệt khi nguy cơ từ các biến chủng nCoV mới luôn rình rập.

Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Campuchia ghi nhận thêm 508 ca nhiễm nCoV và 3 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 11.063, trong đó 82 người đã chết.

Mặc dù vẫn chiếm đa số ca nhiễm mới so với những nơi khác, Phnom Penh chỉ báo cáo 248 ca, mức thấp nhất trong vòng hai tuần qua. Khu vực thủ đô và tỉnh Kandal tiếp tục bị phong tỏa đến ngày 5/5, kéo theo nguy cơ nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng phải đóng cửa, khiến hàng nghìn người lao động có thể mất việc làm.

Lào ghi nhận 75 ca nhiễm nCoV mới trong 24 giờ qua, nâng tổng ca nhiễm toàn quốc lên 511, trong đó chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. Thủ đô Vientiane bắt đầu áp lệnh phong tỏa 14 ngày từ ngày 22/4 để đối phó số ca nhiễm nCoV tăng mạnh. Cố đô Luang Prabang cũng bị phong tỏa từ ngày 25/4 đến 5/5.

Lào bắt đầu truy vết các cụm dịch Covid-19 mới từ kỳ nghỉ tết truyền thống, sau khi hai người đàn ông Thái Lan và một phụ nữ quốc tịch Lào vượt biên trái phép vào tỉnh Savannakhet hôm 6/4.

Bên cạnh lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh cũng yêu cầu cơ quan các cấp tiếp tục giáo dục cộng đồng về mối nguy hiểm cũng như cách bảo vệ bản thân, gia đình khỏi đại dịch Covid-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 32.919.562 ca nhiễm và 587.282 ca tử vong do nCoV, tăng 44.517 ca nhiễm và 743 ca tử vong so với một ngày trước đó. Kể từ tháng một tới nay, số ca nhiễm, tử vong và nhập viện vì Covid-19 đã giảm rõ rệt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và giới chức y tế liên bang hôm 27/4 cho biết những người đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19 không còn cần phải đeo khẩu trang ngoài trời trong hầu hết tình huống, trừ nơi tụ tập đông người. Ông chủ Nhà Trắng gọi đây là một bước tiến hướng tới "cuộc sống gần với bình thường hơn tại Mỹ".

Những người chưa tiêm phòng cũng có thể ra ngoài mà không đeo khẩu trang nếu đến các buổi tụ tập ít người tổ chức ngoài trời, miễn là bạn bè và gia đình họ đã được tiêm đầy đủ.

Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 14.441.563 ca nhiễm và 395.022 ca tử vong, tăng lần lượt 71.107 và 2.818.

Cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa hôm 26/4 từ chối nhập khẩu vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga, xuất phát từ "những rủi ro cố hữu" và các nhược điểm "nghiêm trọng" do thiếu thông tin đảm bảo tình an toàn, chất lượng và hiệu quả. Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga đã bác bỏ những bình luận này, chỉ ra rằng Sputnik V đã được phê duyệt tại 61 quốc gia, đồng thời cáo buộc quyết định của Anvisa "có thể mang động cơ chính trị".

Chương trình tiêm chủng của Brazil bị đánh giá thất bại do sự chậm trễ và không mua được vaccine, biến nước này thành một trong những điểm nóng Covid-19 nguy hiểm nhất thế giới và đẩy hệ thống y tế quốc gia đến bờ vực sụp đổ. 27,3 triệu người, tương đương 13% dân số, đã được tiêm liều đầu tiên, theo số liệu của Bộ Y tế Brazil.

Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.534.313 ca nhiễm và 103.603 ca tử vong, tăng lần lượt 30.317 và 333.

Các số liệu Covid-19 quan trọng của Pháp đều đang cho thấy một số dấu hiệu cải thiện, sau khi đất nước bắt đầu vòng phong tỏa toàn quốc thứ ba từ cuối tháng 3 vì số ca nhiễm và tử vong tăng đột biến.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hy vọng lệnh phong tỏa này, cùng việc chiến dịch tiêm chủng được tăng tốc, sẽ giúp cải thiện tình hình Covid-19 về lâu dài, tạo điều kiện nối lại các hoạt động kinh doanh và giải trí nhất định vào giữa tháng 5. 14,58 triệu người ở Pháp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, tương đương 21,8% dân số.