Các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford (Anh) đã xem xét hơn một triệu hồ sơ bệnh nhân và phát hiện ra rằng, hai năm sau khi nhiễm bệnh, những bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19 có nguy cơ cao bị rối loạn tâm thần, mất trí nhớ và "sương mù não" khi so sánh với những người mắc bệnh đường hô hấp khác và đã khỏi.

Trong trường hợp sương mù não, ví dụ, người lớn từ 18 đến 64 tuổi đã khỏi COVID-19 mắc chứng này với tỷ lệ cao hơn 16% so với những bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp khác. Sự khác biệt rõ ràng hơn ở những người trên 65 tuổi – lứa tuổi cũng có nguy cơ mắc chứng rối loạn tâm thần và sa sút trí tuệ tăng lên.

Quan chức WHO Janet Diaz nói rằng, mức độ nghiêm trọng trung bình của các tình trạng hậu COVID tương đương mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân bị đau cổ nặng, bệnh Crohn hoặc hậu quả lâu dài của chấn thương sọ não. Ảnh: Politico.

Trẻ em cũng bị ảnh hưởng

Dữ liệu, chủ yếu từ các bệnh nhân ở Mỹ, cho thấy trẻ vị thành niên cũng bị ảnh hưởng. Trẻ em hậu COVID-19 có nguy cơ bị động kinh hoặc co giật cao gấp hai lần và có nguy cơ bị rối loạn tâm thần cao gấp ba lần so với những trẻ mắc bệnh hô hấp khác.

Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet Psychiatry cho thấy, ngay cả biến thể Omicron nhẹ hơn của SARS-CoV-2 đang chiếm ưu thế cũng gây ra những rủi ro dài hạn tương tự. Maxime Taquet, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu, lưu ý rằng, đối tượng nghiên cứu là những người mắc COVID-19 từng phải nhập viện.

 
Tác giả chính của công trình nghiên cứu, Paul Harrison, nói rằng, nghiên cứu không được thiết kế để xác định cơ chế sinh học mà virus gây ra làm tăng nguy cơ rối loạn tâm lý và thần kinh. Nghiên cứu cung cấp thêm bằng chứng chỉ ra thiệt hại lâu dài do SARS-CoV-2 gây ra.

Vấn đề này đã trở thành mối quan tâm của các chính phủ, vốn đang chi tiền để nghiên cứu và điều trị một nhóm triệu chứng được gọi là "COVID dài", bao gồm các vấn đề thần kinh cũng như mệt mỏi, khó thở.

Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe ước tính, 3,7% bệnh nhân COVID-19 mắc một triệu chứng hậu COVID-19, bà Janet Diaz, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chủ đề này, cho biết. Phát biểu tại một hội nghị hôm 17/8, bà nói rằng, mức độ nghiêm trọng trung bình của các tình trạng hậu COVID tương đương mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân bị đau cổ nặng, bệnh Crohn hoặc hậu quả lâu dài của chấn thương sọ não.

Những người đã khỏi COVID-19 có nguy cơ cao bị rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ và “sương mù não”. Ảnh: Getty Images.
 

Cách phòng chống “sương mù não”

Theo Vinmec, "sương mù não" kéo dài là một trong những triệu chứng thần kinh đã được ghi nhận ở những người từng mắc COVID-19, sau đó khỏi bệnh. Nguyên nhân có thể là do viêm não; virus phá hủy rào cản ngăn dị vật xâm nhập vào não, từ đó gây ra tình trạng viêm.

Nhiều bệnh nhân gặp vấn đề với trí nhớ như dễ bị phân tâm, khó theo dõi cuộc trò chuyện, khó tập trung và tham gia các công việc hằng ngày. Các triệu chứng của sương mù não cũng có thể xuất hiện như quên lý do tại sao bước vào phòng, khó nghĩ ra từ đúng, khó nhớ những gì vừa đọc…

Điều trị sương mù não phụ thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, nếu đang bị thiếu máu, bổ sung sắt có thể làm tăng sản xuất tế bào hồng cầu và giảm sương mù não... Đôi khi, giảm thiểu tình trạng sương mù ở não là vấn đề điều chỉnh sự thiếu hụt dinh dưỡng, thay đổi thuốc hoặc cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Các biện pháp khắc phục tại nhà để cải thiện chứng sương mù não bao gồm: ngủ đủ 7- 9 giờ mỗi đêm; tránh căng thẳng, stress; tập thể dục đều đặn mỗi ngày tối thiểu 30 phút; hạn chế uống cà phê, tránh sử dụng rượu và các chất kích thích; tăng lượng protein, trái cây, rau và chất béo lành mạnh; tham gia các hoạt động xã hội…