Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, trước là Bệnh viện quận Thủ Đức là bệnh viện công lập hạng một, trực thuộc Sở Y tế TP HCM. Đây là bệnh viện đa khoa quy mô 800 giường, với gần 2.000 nhân sự, lớn nhất TP Thủ Đức hiện nay.

Bác sĩ Nguyễn Lan Anh, phó giám đốc bệnh viện cho biết, trước khi xuất hiện Covid-19, khoa Vi sinh có chức năng thực hiện các xét nghiệm thuộc chuyên ngành vi sinh như xét nghiệm lao, HIV, viêm gan, giang mai, nuôi cấy vi khuẩn, kháng sinh đồ... Kể từ tháng 9/2020, khi được Bộ Y tế cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định nCoV, khoa nhận thêm nhiệm vụ mới này, trong khi vẫn tiếp tục các hoạt động xét nghiệm vi sinh thường quy.

Dựa trên năng lực xét nghiệm trung bình đạt 1.000 mẫu mỗi ngày (bất kể mẫu gộp hay mẫu đơn), cao điểm, có ngày lên tới 2.000 mẫu, bệnh viện được Sở Y tế phân công "chia lửa" cho 9 đơn vị trên địa bàn. Gồm ba trung tâm y tế quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức, quận 9 và 6 bệnh viện TP Thủ Đức, Nhân Ái, Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bình Thạnh, Lê Văn Việt (Bệnh viện quận 9 cũ) và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ.

Như vậy, mỗi đợt dịch hoặc nếu có tình huống phát sinh, 9 đơn vị trên sau khi lấy mẫu dịch hầu họng, sẽ vận chuyển tới đây để làm xét nghiệm và chờ trả kết quả. Ngoài ra, những lúc lượng mẫu lớn ùn ứ ở các đơn vị xét nghiệm bạn, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) sẽ điều chuyển một phần mẫu đến để góp phần giảm tải chung.

Từ ngày 18/5 đến ngày 12/6, Bệnh viện TP Thủ Đức đã làm tổng cộng gần 20.000 mẫu xét nghiệm nCoV, thạc sĩ Mai Lệ Quyên, 39 tuổi, k ỹ thuật viên trưởng khoa Vi sinh cho biết. Để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ này, 9 kỹ thuật viên cùng hai hệ thống tách chiết tự động DNA/ARN và hai hệ thống máy CFX 96 Realtime RT- PCR "thực sự đã chạy hết tốc lực", thậm chí đã có lúc quá tải.

Trưa 12/4, dù đã quá thời gian ra ca 6 tiếng nhưng Diệp Đào Tiên, 23 tuổi, kỹ thuật viên vẫn nán lại nhập liệu các mẫu xét nghiệm mới nhận về, hỗ trợ thêm cho đồng nghiệp ca sau. Cô mới tốt nghiệp Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch và bắt đầu nhận việc vào tháng 3/2021. Lúc này, đợt dịch thứ 4 bắt đầu bùng phát.

Tiên kể, mình từng mệt rã rời mỗi khi xong việc, về nhà rơi người xuống giường là ngủ ngay. Nhưng với sức trẻ và đam mê nghề, cô nhanh chóng hồi phục sức khoẻ, thích nghi tốt với cường độ công việc cao. Chỉ khoảng một tháng, cô đạt đủ điều kiện vào làm việc trong khu tách chiết - "thánh địa" của khoa.

Nhân sự khoa Vi sinh chủ yếu là nữ, họ chia đều thành ba ca luân phiên làm việc, mỗi ca 8 tiếng. Mặc dù vậy, hầu như ai cũng tự nguyện tăng ca lên 10-12 tiếng, phần vì lượng mẫu cần xét nghiệm luôn nhiều, phần vì ai cũng muốn "san sẻ thêm một chút". Gần một tháng qua, đèn của khoa Vi sinh chưa bao giờ tắt, nhân viên khoa cũng chưa có một ngày nghỉ cuối tuần.

"Điều chúng tôi sợ nhất không phải mình kiệt sức, mà sợ các máy quá tải", chị Quyên chia sẻ.

Các khu vực thuộc quy trình xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện TP Thủ Đức nằm gọn trong không gian rộng khoảng 30m2, được ngăn cách với nhau bởi các tấm tường kính trong suốt. Chị Quyên và các đồng nghiệp vẫn thường gọi vui đây là "công xưởng bé nhỏ", bởi không khí làm việc luôn nhộn nhịp, y như một nhà máy mini với dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp, hoạt động liên tục 24/7, không phân biệt ngày đêm.

Quy trình "bắt Covid-19" ở tất cả các mẫu bệnh phẩm đều giống nhau, gồm ba bước cơ bản. Đầu tiên là xử lý mẫu, sau đó là tách chiết để lấy ra vật liệu di truyền của virus - sợi ARN trong mẫu bệnh phẩm và cuối cùng là chạy máy RT-PCR để ra kết quả chẩn đoán dương tính hay âm tính, chị Quyên cho hay.

Một nam kỹ thuật viên đang xử lý mẫu ban đầu, trước khi đưa mẫu vào máy tách chiết. Ảnh: Thư Anh.

Thông thường, khoa tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm vào buổi tối. Các thùng chứa mẫu sau khi được vào sổ giao nhận, được xịt khử khuẩn và đưa thẳng vào phòng tách chiết. Có một đến ba kỹ thuật viên sẽ làm nhiệm vụ xử lý mẫu, trước khi đưa mẫu vào máy tách chiết.

Đây là công đoạn khá quan trọng, quyết định tính chính xác cho những khâu tiếp theo và kết quả xét nghiệm. Kỹ thuật viên khi xử lý mẫu sẽ phải ngồi liên tục 8 tiếng, trong bộ bảo hộ bí kín từ đầu đến ngón chân, tập trung cao độ và không được phép xảy ra bất kỳ sai sót nào.

Với kỹ thuật viên, đây cũng là khâu nguy hiểm nhất khi họ phải tiếp xúc trực tiếp với các mẫu bệnh phẩm. Nếu không lành nghề và đảm bảo tất cả các điều kiện an toàn sinh học, kỹ thuật viên có nguy cơ lây nhiễm virus từ mẫu bệnh phẩm, thậm chí làm lây nhiễm chéo giữa các mẫu bệnh phẩm với nhau. 8 tiếng này, họ hạn chế trò chuyện, cũng không được ăn uống, đi vệ sinh giữa chừng để tránh lây nhiễm.

"Nhìn anh chị em ngồi điềm tĩnh, thậm chí trông có vẻ an nhàn, chậm rãi vậy thôi nhưng áp lực cực kỳ", chị Quyên chia sẻ.

Nhân viên y tế đưa các mẫu bệnh phẩm vảo máy tách chiết sợi ARN tự động. Ảnh: Mai Lệ Quyên.

Sau khi các mẫu bệnh phẩm được xử lý xong, sẽ được đưa vào máy tách chiết chạy trong vòng 35 phút đã lập trình sẵn, để lấy sợi ARN. Các mẫu này sau đó được đưa vào máy RT-PCR, tối đa 94 mẫu mỗi mẻ. Máy RT-PCR chạy khoảng hơn một giờ sẽ cho ra kết quả.

Các mẻ xét nghiệm sẽ chạy gối đầu.Trong khi máy RT-PCR chạy, máy tách chiết cũng hoạt động liên tục, tách chiết sẵn cho các mẻ sau. Các mẫu đã được tách chiết xong, nếu chưa có máy chạy ngay sẽ được bảo quản riêng trong tủ lạnh, chờ đến lượt. Trung bình, một mẻ xét nghiệm nhanh nhất cũng mất khoảng 4 giờ, nếu không có sự cố phát sinh, chị Quyên cho biết.

Theo bác sĩ Lan Anh, khó khăn lớn nhất hiện nay của bệnh viện là thiếu máy móc, trang thiết bị xét nghiệm. Thực tế, về nhân sự, đơn vị vẫn có thể huy động, tập huấn thêm từ các khoa khác. Tuy nhiên, hai chiếc máy tách chiết chỉ thực hiện được tối đa 64 mẫu mỗi lần, do đó, nếu có những tình huống khẩn cấp, như F1 hay ca nghi nhiễm cần xét nghiệm ngay, vẫn phải chờ đợi. Hiện bệnh viện đang cố gắng huy động từ nhiều nguồn để mua sắm thêm trang thiết bị, nhằm tăng công suất xét nghiệm trung bình lên 1.500 đến 2.000 mẫu mỗi ngày, để đuổi kịp tốc độ truy vết của thành phố.

Chị Mai Lệ Quyên kiểm tra kết quả mẻ xét nghiệm vừa hoàn thành, bên cạnh là chiếc máy RT-PCT vẫn đang hoạt động. Ảnh: Thư Anh.