Tại Đồng Nai, tính đến sáng 10/10, trên địa bàn có thêm nhiều cửa hàng xăng dầu treo bảng hết xăng, chờ nhập hàng. Nhiều cửa hàng, còn mở bán đã tập trung lượng người đến mua xăng rất đông.

Tuy nhiên, nhiều trạm xăng chỉ bán số lượng hạn chế với mức 30.000 đồng/xe máy và 300.000 đồng/ô tô. Có cửa hàng xăng dầu vẫn mở cửa, nhưng khách vào mua lại không có người bán hàng.

Từ đêm 9/10, rất đông người ở TP Biên Hòa chen chúc chờ mua xăng tại một trạm xăng

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, tính đến chiều 9/10, trên địa bàn có 49 cửa hàng thông báo hết xăng hoặc dầu, có trường hợp hết cả xăng và dầu, gồm: 4 cửa hàng báo hết xăng và dầu, 3 cửa hàng báo hết dầu còn xăng và 42 cửa hàng báo hết xăng còn dầu. Tình trạng cửa hàng khan hiếm xăng dầu, tạm ngưng bán, chờ nhập hàng xảy ra không chỉ ở TP Biên Hòa mà còn diễn ra tại các huyện khác trong tỉnh, gây nhiều khó khăn cho người dân.

Chờ đến lượt mua xăng vào sáng 10/10.

Theo đại diện nhiều cửa hàng xăng dầu, nguyên nhân là do nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối khan hiếm, bị gián đoạn hoặc không kịp cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Bên cạnh đó, mức chiết khấu thấp cùng các chi phí mặt bằng, nhân công, vận chuyển không được tính vào giá bán khiến nhiều doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng gặp nhiều khó khăn, lỗ vốn.

Một cây xăng ở huyện Thống Nhất kéo rào chừa lối nhỏ cho xe vào đổ xăng

Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, mới đây, 4 thương nhân phân phối xăng dầu (Công ty CP thương mại và dịch vụ Cần Giờ, Công CP thương mại dầu khí Đồng Nai, Công ty CP xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty CP TMDV dầu khí Hải Phát) đã có văn bản gửi các cửa hàng đại lý bán lẻ xăng dầu, nêu rõ tình trạng khó khăn về nguồn hàng, các thương nhân phân phối xăng dầu không đủ nguồn hàng cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Do đó, doanh nghiệp mong các khách hàng chia sẻ khó khăn để duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Tạm ngưng bán xăng

Trước tình hình khó lường của thị trường xăng dầu, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã chỉ đạo các đội trực thuộc duy trì hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Lực lượng quản lý thị trường sẽ trực 24/24h, kể cả ngày nghỉ để kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các trạm, cửa hàng xăng dầu trên địa bàn.

Tại Bình Dương, hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng, dầu cũng treo biển hết xăng, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, trưa 10/10, nhiều cây xăng tại TP Thủ Dầu Một, Thuận An, thị xã Tân Uyên, TP. Dĩ An… để biển hết xăng, có điểm mở bán nhưng thông báo mỗi phương tiện xe máy chỉ đổ từ 20.000 - 50.000 đồng/lượt. Các cây xăng này lý giải do "hết hàng" hoặc "chưa kịp nhập hàng". Hiện có ít nhất 20 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu ở Bình Dương để biển tạm ngưng, hoặc hết xăng.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương - cho biết, đơn vị phối hợp với Cục Quản lý thị trường kiểm tra giám sát rất chặt chẽ và thường xuyên, hàng ngày về tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Qua kiểm tra, Bình Dương không có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Bình Dương, trên địa bàn có 445 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu. Hiện chỉ có một số điểm tạm ngưng và người dân vẫn còn nhiều lựa chọn khác.

"Tất cả các thương nhân, đầu mối, doanh nghiệp phân phối xăng dầu đều phải báo cáo cho Sở Công Thương để Sở báo cáo hàng ngày về tình hình cung ứng xăng dầu với UBND tỉnh. Chúng tôi đã làm việc với các đơn vị đầu mối và họ cam kết cung cấp đủ xăng để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn" - bà Hà thông tin.

Cây xăng thông báo: Hết xăng, còn dầu. 
Theo ngành chức năng, các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tạm ngưng với lý do khách quan. Trên thực tế, việc kinh doanh ngày càng thua lỗ do hoa hồng rất thấp, chi phí hoạt động cửa hàng gia tăng càng gây áp lực cho quá trình duy trì hoạt động tại các cửa hàng.
Cửa phân luồng bằng rào chắn để bán xăng, tránh xảy ra tắc nghẽn.
Anh Lê Anh Hựu cho biết, sau khi chờ 20 phút thì anh nhận được thông báo hết xăng từ cửa hàng.

Khi được hỏi về lý do tạm ngưng hoạt động, các đại lý kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn Bình Dương cho biết để đảm bảo hòa vốn, mức chiết khấu phải từ 1.000 - 1.200 đồng/lít, bởi có rất nhiều chi phí như vận chuyển, thuê mặt bằng, nhân công, điện nước... Trong khi đó, mức chiết khấu của các thương nhân đầu mối thời gian qua chỉ từ 100 - 150 đồng/lít, thậm chí có lúc còn 80 đồng/lít.

Đại diện một đại lý xăng dầu trên địa bàn TP Thủ Dầu Một cho biết, mức chiết khấu rất thấp, sau khi trừ hết chi phí chúng tôi phải bù lỗ. Tôi cũng nói thẳng, các điểm đóng cửa hoặc thông báo hết xăng đều vì thua lỗ chứ không phải thiếu nguồn cung.