Sự việc hy hữu xảy ra ở thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Một bé gái theo cha mẹ đến phiên toà ly hôn, kết quả khiến tất cả bối rối, thẩm phán phải dừng phiên toà và kết quả thực sự ngoài mong đợi.

Theo thông tin đăng tải, thẩm phán phụ trách vụ ly hôn là Trương Chí Khải - thẩm phán Phòng Dân sự của Tòa án Nhân dân Trung cấp Bộc Dương. Từ khi tiếp nhận đơn xin ly hôn của cặp đôi này đến nay, thẩm phán Trương đã gặp mặt đôi vợ chồng 3 lần, gọi điện nói chuyện hơn 20 lần thế nhưng vẫn không khuyên nhủ được.

Phiên toà hôm đó là phiên toà hoà giải ly hôn, hai vợ chồng đưa con gái 2 tuổi đến tham gia. Thế nhưng trong quá trình hòa giải, cả hai xảy ra cự cãi gay gắt, trách móc nặng nề, to tiếng liên miên khiến con gái sợ hãi khóc nức nở tại chỗ, ánh mắt bất lực, hoang mang, không nơi nương tựa.

Thẩm phán ôm chặt bé gái vỗ về

Nhìn thấy tình cảnh này, thẩm phán Trương Chí Cường bèn cho tạm dừng phiên toà rồi đột nhiên đứng dậy, bế bé gái vào lòng, nhẹ giọng an ủi. Mới đầu bé gái còn sợ hãi nhưng nghe được những lời ấm áp của thẩm phán Trương, em bớt sợ hơn, mệt mỏi tựa đầu vào vai thẩm phán, ôm cổ thân thiết rồi dần dần chìm vào giấc ngủ.

Để buổi hòa giải diễn ra suôn sẻ, thẩm phán Trương liên tục ôm bé gái, dỗ cho bé ngủ say. Sau hơn hai giờ hòa giải, cuối cùng cặp đôi cũng nhận ra thiếu sót của mình trong hôn nhân và đồng ý cùng nhau sửa đổi, cho nhau cơ hội làm lại lần nữa. Lúc này, thẩm phán Trương mới đưa bé gái về cho bố mẹ em, hi vọng cả hai nghiêm túc hơn về trách nhiệm làm chồng làm vợ và làm cha mẹ của mình.

6 điều vợ chồng nên làm để hạnh phúc

Hôn nhân sẽ mãi đẹp nếu bạn biết cách vun vén, chăm sóc. Để giữ lửa cho đời sống tình cảm, có 6 điều bạn nên lưu ý sau đây:

Ảnh minh họa: shutterstock

1. Anh/em có thể giúp gì không?

Câu này được cho là có sức mạnh hơn cả câu "Anh yêu em". Khi bạn nhìn thấy người bạn đời của mình đang gấp đồ, nấu bữa tối hoặc cắt cỏ, không có gì ngọt ngào hơn là giúp họ một tay. Công việc không chỉ được hoàn thành nhanh chóng hơn mà bạn còn ghi được điểm khi cho đối tác thấy bạn quan tâm tới họ thế nào.

Với công việc nhà, hai vợ chồng càng nên ngồi lại, trò chuyện để chia sẻ về những trách nhiệm và hỗ trợ nhau nếu có thể.

2. Nói ít, lắng nghe nhiều hơn

Khi vợ/chồng trút bầu tâm sự với bạn, thay vì đưa ra một giải pháp, bạn có thể chỉ cần lắng nghe, vì đó là điều đối phương cần ở bạn.

Sự hỗ trợ tinh thần thông qua việc lắng nghe cũng quan trọng không kém so với việc đưa ra ý tưởng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn việc đưa ra các giải pháp thiết thực. Hãy thừa nhận các vấn đề của đối phương và trấn an họ rằng rồi mọi việc sẽ ổn.

3. Đừng đối xử bằng thái độ "ném đá" hay im lặng

Bác sĩ trị liệu John Gottman tin rằng thái độ im lặng hoặc "ném đá" là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến một mối quan hệ thất bại. Hành xử này tương đương với câu nói: "Anh/em không quan tâm đến những gì em/anh đang nói".

Thay vì cách hành xử này, nên chia sẻ với đối phương rằng bạn cần thời gian để suy nghĩ và bình tâm. Sau đó, khi căng thăng đã lắng xuống, hãy quay lại cuộc thảo luận.

4. Những cử chỉ yêu thương nho nhỏ

Đem đến cho nửa kia bất ngờ lớn, hoành tráng đương nhiên là thú vị nhưng những cử chỉ nhỏ cũng giúp củng cố mối quan hệ tốt không kém. Bạn có thể viết một lá thư tình cho người ấy hay tặng người ấy món quà bạn tự tay làm hay tự tay chọn lựa... Cảm xúc của nửa kia sẽ thăng hoa khi họ biết bạn đã quan tâm đến họ thế nào.

5. Đừng quên chăm sóc bản thân

Khi bạn đang yêu hay kết hôn, nửa kia là thế giới của bạn nhưng đừng vì thế mà quên chăm sóc chính mình. Nên giữ gìn vóc dáng, ăn uống lành mạnh hoặc dành thời gian cho bản thân... Chính điều này giúp gửi thông điệp tới nửa kia rằng bạn luôn mong muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình trong mắt họ.

6. Tìm các chủ đề sâu sắc hơn để nói

Đừng chỉ hỏi nửa kia "Tối nay ăn gì?, "Mấy giờ anh/em về?"... Đừng để guồng quay hàng ngày khiến cả hai quên đi những cuộc trò chuyện ý nghĩa với bạn đời.

Nên tìm những chủ đề sâu sắc hơn để trò chuyện, giúp thúc đẩy giao tiếp và cho hai phía hiểu nhau nhiều hơn. Các chủ đề có thể là gia đình, thời thơ ấu, hiện tại, tương lai, sức khỏe, quan niệm sống...