Theo đó, một cô gái tên Tr. đăng tải clip chia sẻ về tình trạng hiện tại của bản thân sau khi bị liệt dây thần kinh số 7. 

 “Một nửa bên mặt của mình không hoạt động được, mình đã rất hối hận. Trước kia mình nghĩ sẽ không đến lượt, mình đâu có xui thế, cho đến một ngày ngủ dậy và bị như thế này", bạn Tr. chia sẻ trong clip.

Bạn nữ tên Tr. đăng clip chia sẻ về tình trạng hiện tại - Ảnh cắt từ clip

Từ ngày bị liệt dây thần kinh số 7, cô gái trong đoạn clip cho biết không thể ăn uống, nói hay chớp mắt như người bình thường. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được Tr cho biết là do có tắm đêm nhiều lần, sau khi tắm xong đi thẳng vào phòng điều hòa, ngủ đến sáng thì phát hiện nửa mặt bị liệt, khó cử động.

Hiện, Tr. đang điều trị bằng phương pháp đông y. Tuy nhiên theo như cô gái này chia sẻ thì chỉ còn 10 ngày nữa sẽ đến đám cưới của mình, nhưng do gương mặt chưa ổn định, nên rất có thể đến ngày vui vẫn chưa thể dứt điểm tình trạng liệt dây thần kinh số 7. 

Liệt dây thần kinh số 7 là gì?

Dây thần kinh số VII là dây vận động, chi phối vận động cơ mặt. Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên, là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, do tổn thương dây thần kinh mặt. Tình trạng này trái ngược với liệt mặt trung ương là tổn thương liên quan đến não.

Chúng ta ít biết rằng dây thần kinh mặt có đường đi phức tạp từ hệ thống thần kinh trung ương qua thái dương và tuyến mang tai đến các cơ ở vùng mặt. Đó là lý do các tổn thương vận động của nửa mặt có nhiều nguyên nhân như nguyên nhân từ thân não, ở dây thần kinh số VII, ở xương đá hoặc tuyến mang tai...

Nguyên nhân:

Liệt dây VII trung ương: Liệt mặt điển hình do các khu trú trong sọ gây ra tai biến mạch máu não, u của hệ thần kinh trung ương, u dây thần kinh thính giác.

Liệt dây VII ngoại biên: Tổn thương dây VII từ xương thái dương trở ra còn gọi là liệt mặt Bell, thường do lạnh, hoặc do viêm.

Mối nguy hiểm của tắm đêm + ngủ điều hòa

Vào buổi tối, nhiệt độ, không khí giảm xuống nên tắm đêm sẽ không có lợi, thậm chí gây tổn hại cho sức khỏe. Nếu tắm đêm mà không cẩn thận thì có thể gây ra nhiều chứng bệnh khác nhau, nhẹ là đau đầu, mỏi cổ vai gáy, đau tay chân, tay chân cử động khó. Trường hợp nặng có thể gặp những chứng bệnh nguy hiểm gây tai biến, đột quỵ và tử vong.

Tắm đêm còn khiến bạn dễ bị nhiễm trùng phổi, suy giảm chức năng phổi, đặc biệt là những người đang bị suy giảm miễn dịch. Nguyên nhân là khi nhiệt độ nước tắm không phù hợp với nhiệt độ cơ thể, bắt buộc cơ thể phải điều tiết hoặc là co mạch hoặc là giãn mạch để giữ nhiệt hoặc thoát nhiệt. Khi bị co lại đột ngột thì khả năng bạn bị đột quỵ là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Người trẻ tuổi tắm đêm sẽ khiến mạch máu bị co lại, nhất là khi tắm nước lạnh khiến việc lưu thông máu khó khăn, từ đó dễ gây ra đau đầu, đau vai gáy , lâu dần sẽ thành bệnh đau đầu kinh niên.

Người cao tuổi có đặc điểm sinh lý như mạch máu bị co lại, lòng mạch máu bị xơ vữa (vôi hóa), máu cô đặc và quánh cao hơn người trẻ nên thường gặp chứng huyết áp cao. Nếu tắm vào các thời điểm đêm muộn, họ rất dễ bị đột quỵ với khả năng cao hơn rất nhiều so với người trẻ.

Mùa hè nắng nóng rất nhiều người có thói quen tắm xong vào phòng điều hòa, hoặc đứng trước quạt cho mát mà không biết thói quen tai hại này làm hại sức khỏe, đột quỵ, và có trường hợp đã tử vong

Việc gội đầu sau 19 giờ, tắm sau 21 giờ - dù tắm bằng nước nóng – cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại, đặc biệt với người huyết áp thấp, huyết áp không ổn định dễ dẫn tới bị thiếu máu não nghiêm trọng, bất tỉnh, hôn mê, khả năng tử vong cao.

Quan điểm lạnh không gây bệnh là sai lầm tệ nhất, dẫn tới nhiều trường hợp đột tử, chết oan do bị lạnh đột ngột. Vì vậy mọi người không nên chủ quan với điều hoà gây lạnh đột ngột, hay tắm xong vào ngay phòng điều hòa mà có ngày hối không kịp.