Coi chừng mất thị giác, loạn thị nặng vì sụp mi bẩm sinh
Nguy cơ giảm thị lực, loạn thị
Sinh con ra đã bị mắt to mắt bé nhưng nghe lời khuyên của ông bà, chị Thảo (27 tuổi, Bắc Ninh) chưa bao giờ đưa con gái đi kiểm tra mắt. Đến khi con 5 tuổi, mỗi lần muốn nhìn lên bé đều phải ngửa cổ, rướn trán. Quan sát kỹ chị còn thấy đầu con hơi nghiêng về một bên. Đi khám bác sĩ kết luận, bé không chỉ bị sụp mi bẩm sinh mà còn kèm theo lác ngoài.
An Huy (8 tuổi, Ninh Bình) cũng bị sụp mi bẩm sinh. Nhiều lần định đưa con đi khám nhưng nghĩ con trai, lại thấy chỉ là yếu tố thẩm mỹ, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập nên bố mẹ Huy chần chừ. Trước thềm năm học mới, An Huy mới được đi khám mắt thì phát hiện con đã bị loạn thị nặng và nhược thị do sụp mi bẩm sinh.
Theo Bác sĩ Lưu Thị Thiều Hoa – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, sụp mi bẩm sinh là sự sa của mi trên xuống thấp hơn vị trí bình thường khi nhìn thẳng, chiếm khoảng 50 – 70% các trường hợp sụp mi.
Nguyên nhân chủ yếu là do bất thường về cơ, bao gồm rối loạn, thay đổi kết cấu của các sợi cơ nâng mi, dẫn đến suy giảm (hoặc gần như không có) chức năng của cơ nâng mi. Hiếm gặp hơn, sụp mi bẩm sinh có thể do gián đoạn dẫn truyền thần kinh – cơ.
Trẻ bị sụp mi bẩm sinh thường xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt nhỏ hơn bình thường ngay từ khi mới sinh. Nếu sụp mi nhẹ, không kèm theo triệu chứng bất thường khác thì trẻ có thể nheo mắt, nháy mắt khi tập trung quan sát. Nếu sụp mi nặng có thể kèm theo các dấu hiệu như ngửa cổ, rướn trán khi nhìn, thị lực kém. Dù là thể nhẹ hay nặng, sụp mi vẫn tiềm ẩn nguy cơ giảm thị lực do đó không nên chủ quan.
Coi chừng các bệnh lý nguy hiểm
Cũng theo Bác sĩ Lưu Thị Thiều Hoa, rất nhiều trường hợp bệnh nhân chủ quan với tình trạng sụp mi bẩm sinh, cho rằng chỉ là yếu tố thẩm mỹ. Trẻ bị sụp mi nếu không được thăm khám sớm có thể gây ra tật khúc xạ cao ở mắt ngay từ những năm tháng đầu đời, thường gặp nhất là loạn thị dẫn đến nhược thị.
Sụp mi nặng có thể còn che kín bờ đồng tử gây giảm (mất) thị lực, hoặc gây ra tình trạng lệch đầu vẹo cổ (do trẻ phải ngửa cổ kéo dài để quan sát), kèm theo lác ngoài, hạn chế vận nhãn lên trên – xuống dưới – vào trong. Trong một số trường hợp, sụp mi cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm khác như bệnh nhược cơ, liệt dây thần kinh sọ não số III, hội chứng Horner…
Không phải tất cả các trường hợp bị sụp mi đều cần phẫu thuật. Đối với sụp mi bẩm sinh, phẫu thuật được chỉ định ở những trường hợp mi che vào diện đồng tử, gây ảnh hưởng chức năng thị giác. Những trường hợp sụp mi khác sẽ phải điều trị sụp mi theo nguyên nhân gây bệnh. Sau khi điều trị ổn định bệnh toàn thân liên quan đến tình trạng sụp mi (như sau điều trị bệnh nhược cơ, u não, chấn thương liệt dây thần kinh III,…) mắt vẫn còn sụp mi thì có thể phải can thiệp phẫu thuật.
"Tùy theo từng tình trạng bệnh nhân, độ tuổi, chức năng cơ nâng mi, các tổn thương đi kèm để quyết định thời điểm và phương pháp điều trị, phù hợp nhất cho trẻ", bác sĩ Thiều Hoa khẳng định.
Vì vậy, trẻ bị sụp mi bẩm sinh cha mẹ không nên chủ quan, tốt nhất nên đưa trẻ thăm khám càng sớm càng tốt để có phương án điều trị thích hợp.
Thực hư ăn hành tây nướng ngừa bệnh đột quỵ
Trên mạng có thông tin ăn hành tây nướng thường xuyên sẽ phòng ngừa được bệnh đột quỵ, thực hư thế nào?
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh viễn vì loại đồ ăn được giới trẻ cực ưa chuộng.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình để có cách chữa giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia đình và mặc dù không có cách tiếp cận chung nào cho tất cả nhưng các bậc cha mẹ thành công thường có những đặc điểm chung nhất định trong việc nuôi dạy con cái.