Báo động TNGT gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ dưới 6 tuổi

Vụ TNGT xảy ra chiều ngày 26/5 vừa qua khi chị Nghiêm Thị Yến (SN 1991, trú tại xã Hoà Xá, huyện Ứng Hoà, Hà Nội) điều khiển xe máy điện chở theo 3 cháu nhỏ là con và cháu trên đường đi học về, lưu thông theo hướng từ quận Hà Đông về quận Thanh Xuân, va chạm với ô tô khách 45 chỗ BKS 29B – 035.63 cùng chiều, khiến bé Nghiêm H.V (3 tuổi) ngã vào gầm ô tô tử vong thương tâm đến nay vẫn khiến nhiều người xót xa.

Hiện trường vụ TNGT khiến bé 3 tuổi tử vong trên đường đi học về xảy ra tại Hà Nội ngày 26/5

Trước đó, sáng ngày 28/2, một phụ nữ điều khiển xe máy chở theo bé gái khoảng 4 tuổi lưu thông trên quốc lộ 1, khi đến khu vực gần Giáo xứ Hoà Bình (phường Tân Hoà, TP Biên Hòa), bất ngờ va chạm với xe khách lưu thông cùng chiều từ phía sau, khiến bé gái 4 tuổi tử vong, người mẹ bị thương nặng.

Hay sáng 18/1, một vụ TNGT khác xảy ra tại Đà Nẵng khi chị N.T.G. (41 tuổi, ngụ P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu) điều khiển xe máy BS 43F1 - 420.41 chở theo con gái là Đ.T.L. (5 tuổi) lưu thông trên đường Nguyễn Lương Bằng, hướng Đà Nẵng đi Thừa Thiên - Huế, va chạm với xe tải BKS 29H - 403.82 do tài xế Trịnh Văn Xuân (ngụ xã Trung Giã, H.Sóc Sơn, Hà Nội) điều khiển lưu thông cùng chiều, từ phía sau đang vượt lên, cũng khiến bé 5 tuổi tử vong.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, đây chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ TNGT khiến trẻ dưới 6 tuổi tử vong thương tâm, gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất ATGT cho trẻ ở độ tuổi này khi tham gia giao thông.

Tình trạng các bậc phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi ngồi độc lập trên xe tham gia giao thông diễn ra phổ biến

Đề xuất sửa Luật để đảm bảo an toàn cho trẻ dưới 6 tuổi đi xe máy

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP Luật Tinh thông luật cho biết, hiện nay, theo Điểm k, Khoản 2, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

"Như vậy theo quy định trên, trẻ em dưới 6 tuổi không bắt buộc phải đội MBH khi ngồi trên xe máy. Tuy nhiên thực tế khi xảy ra tai nạn, trẻ nhỏ cũng là những người bị tổn thương như người lớn, thậm chí còn nặng hơn. Do đó để đảm bảo an toàn nên trang bị MBH phù hợp cho trẻ, đồng thời bổ sung quy định xử phạt người điều khiển xe chở trẻ dưới 6 tuổi không đội MBH cho trẻ”, luật sư Bình nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS. TS Phạm Việt Cường, Đại học y tế Công cộng cho biết, Luật GTĐB 2008 có quy định tất cả người ngồi trên mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm nhưng Nghị định 100/2019-NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành vi không đội MBH lại loại trừ trẻ dưới 6 tuổi.

“Do không bị phạt nên nhiều bậc phụ huynh, người lớn chở trẻ dưới 6 tuổi không có ý thức đội MBH cho con, cháu mình trong khi đây là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. Đây là thực trạng đã diễn ra nhiều năm qua, trong khi, nếu xảy ra va chạm, nguy cơ trẻ em bị tổn thương rất lớn, nhất là khi phần đầu không được bảo vệ. Chính vì vậy, quy định đội MBH cho trẻ dưới 6 tuổi khi đi mô tô, xe gắn máy là cần thiết”, PGS. TS Cường nhấn mạnh đồng thời cho cần bổ sung thêm quy định xử phạt người điều khiển mô tô, xe gắn máy chở trẻ dưới 6 tuổi mà không đội MBH cho trẻ để nâng cao ý thức chấp hành, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ nằm trong độ tuổi này.

 
Cần nghiên cứu và sớm ban hành quy chuẩn mũ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi cũng như quy định mức xử phạt đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy chở trẻ dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ

Theo PGS. TS Cường, tại nhiều nước trên thế giới đã có quy định không cho trẻ dưới 4 tuổi tham gia giao thông trên mô tô, xe gắn máy. Nhưng, tại Việt Nam, xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân và trong nhiều trường hợp là phương tiện đi lại duy nhất của nhiều hộ gia đình.

Do đó, khả năng cấm trẻ em trên phương tiện này trong khi chưa có các phương tiện công cộng thay thế là hướng đi không khả thi.

Tuy nhiên, nếu cho phép chở trẻ em trên xe máy, sẽ cần nghiên cứu để sớm ban hành những quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ trẻ em được chở trên mô tô xe máy, bao gồm yêu cầu về bảo hộ (mũ, ghế gắn vào xe máy), trình độ người chở (GPLX có yêu cầu cao hơn hoặc người vận chuyển chuyên nghiệp) và các quy tắc giao thông (tốc độ không quá 20-30km/h,…) thông qua bổ sung một số quy định.

“Đơn cử như bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn MBH cho trẻ dưới 6 tuổi; Hoàn thiện quy định về xử phạt về hành vi không đội MBH cho trẻ em dưới 6 tuổi trên xe mô tô, xe máy; Duy trì quy định bắt buộc đội MBH đạt chuẩn với tất cả người ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện; Và hoàn thiện quy định làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan tới sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho người đi xe máy, xe đạp trên thị trường.

Đồng thời có thể mở rộng nghiên cứu các quy định về tốc độ cũng như các kết cấu ghế được chuẩn hoá khi chở trẻ em dưới 6 tuổi trên xe máy”, PGS. TS Cường nói.

 Đối với những trẻ ngồi được độc lập (không còn phải lệ thuộc vào người lớn như phải ẵm bồng, địu, ôm) nên quy định phải đội MBH khi được chở trên mô tô, xe máy. Quy định hợp lý sẽ khả thi, tuy nhiên để quy định đi vào đời sống cần phải tuyên truyền giải thích về tính khoa học và hợp lý của quy định để người dân hiểu và chấp hành" - Luật sư Đào Thị Liên, Giám đốc Công ty Luật Tiền Phong

Đồng quan điểm, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, đối với trẻ dưới 6 tuổi, xương cổ phát triển chưa toàn diện nên hạn chế chở trẻ trên mô tô, xe gắn máy, tuy nhiên trong điều kiện buộc phải chở, cần có các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ, đặc biệt đối với các bé từ 3-5 tuổi, đã có khả năng tự ngồi trên xe.

“Tuy nhiên, hiện chưa có quy chuẩn MBH dành cho trẻ dưới 6 tuổi nên khi quy định trẻ dưới 6 tuổi phải đội MBH cần xem xét đội loại MBH nào thì hợp lý. Đây chính là khoảng trống pháp luật mà Việt Nam cần nghiên cứu lấp đầy để đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ khi tham gia giao thông”, ông Tạo nói.

Cũng theo ông Tạo, xây dựng quy chuẩn về MBH cho trẻ em không nên đi vào các tiêu chí cứng như khối lượng bao nhiêu, độ lún thế nào mà cần tham khảo kinh nghệm các nước, MBH phải nhẹ và thoải mái cho trẻ sử dụng mà không làm ảnh hưởng đến đầu và xương cổ còn chưa hoàn thiện của trẻ.

Đồng thời, cần tuyên truyền cho phụ huynh nâng cao ý thức tự bảo vệ cho con, cháu mình. Người giám hộ, bố mẹ phải chịu trách nhiệm về hành vi và đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho trẻ. Việc xử phạt sẽ là biện pháp có tính răn đe hỗ trợ thêm nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định của người dân.

“Hiện chưa có quy chuẩn về MBH cho trẻ nhưng trên thị trường đã xuất hiện những loại mũ bé, nhẹ phù hợp với đối tượng trẻ nhỏ mà phụ huynh có thể tham khảo. Ngoài ra, nếu có điều kiện, để đảm bảo an toàn cho trẻ, bậc cha mẹ có thể lựa chọn di chuyển bằng taxi, các phương tiện khác thay vì đi mô tô, xe gắn máy”, TS. Tạo cho hay.